Việt Nam khó quan sát nguyệt thực dài nhất thế kỷ
Nhiều câu lạc bộ thiên văn ở Việt Nam lên kế hoạch quan sát nguyệt thực toàn phần nhưng có thể bị lỡ do trời mưa và nhiều mây.
Nguyệt thực kéo dài từ 00h14 đến 6h28 ngày 28/7, trong đó nguyệt thực toàn phần bắt đầu từ 2h30 đến 4h13. Ở pha này, Mặt Trăng sẽ bị che khuất hoàn toàn và chuyển sang màu đỏ tối. Đây là sự kiện được giới thiên văn đánh giá là “không thể bỏ lỡ” trong năm 2018.
Tuy nhiên, Trung tâm dự báo khí tượng và thủy văn quốc gia dự báo, lúc diễn ra nguyệt thực cả nước hầu như có mưa. Hà Nội nằm trong vùng có mưa lớn nên không thể quan sát được hiện tượng thiên văn kỳ thú. Khu vực từ Đà Nẵng trở vào lúc rạng sáng mây giảm nên thuận lợi hơn để chiêm ngưỡng hiện tượng.
Nguyệt thực được ghi nhận ở Italy năm 2015. Ảnh: Giuseppe Petricca |
Dù đã chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, thiết bị phục vụ buổi quan sát, nhưng chiều nay Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội (HAS) đã thông báo hoãn. “Thời tiết hôm nay còn xấu hơn hôm qua”, Vũ Thế Hoàng, Chủ nhiệm HAS tiếc nuối.
Ở TP HCM giới trẻ yêu thiên văn cũng hủy bỏ kế hoạch quan sát do điểm nhìn không thuận lợi. Riêng câu lạc bộ thiên văn Đà Nẵng tiếp tục kế hoạch và kêu gọi mọi người cùng tham gia.
Anh Trần Công Viện, Chủ nhiệm câu lạc bộ Thiên văn học Đà Nẵng cho biết, các bạn trẻ trong câu lạc bộ đang dựng trại tại xã Bình Đào (Thăng Bình, Quảng Nam), sẵn sàng cho việc quan sát nguyệt thực. Các thiết bị quan sát cũng đang được di chuyển tới địa điểm này.
Chuyên gia thiên văn khuyên người xem có thể dùng mắt thường, nhưng sẽ thú vị hơn khi sử dụng ống nhòm và kính thiên văn vì sẽ nhìn rõ được bề mặt và màu đỏ khi vào pha toàn phần của Mặt Trăng.
Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối (Umbra) của Trái Đất và bị che khuất hoàn toàn. Lúc này ánh sáng đỏ từ Mặt Trời đi xuyên qua bầu khí quyển ở vùng rìa Trái Đất đến Mặt Trăng khiến Mặt Trăng phản xạ lại gây ra hiện tượng Mặt Trăng có màu đỏ tối, nhiều người hay gọi là “trăng máu”.
Ba hiện tượng thiên văn trong một đêm Không chỉ nguyệt thực toàn phần, đêm 27, rạng sáng 28/7 cũng là lúc Mặt Trăng ở xa Trái Đất nhất trong năm, thường gọi là Minimoon (Trăng siêu nhỏ), ngược với Supermoon (Siêu trăng). Mưa sao băng Delta Aquarids chỉ với 20 vệt mỗi giờ cũng xuất hiện trong thời gian này. Đêm 27/8, sao Hỏa cũng sẽ đạt vị trí trực đối. Hành tinh đỏ sẽ nằm gần Trái Đất và tỏa sáng nhất trong suốt 15 năm qua. Trong suốt đêm diễn ra nguyệt thực, Sao Hỏa nằm ngay bên dưới Mặt Trăng. |