Phó thủ tướng nêu ba lý do khiến tự chủ đại học mới đạt một phần

Phó thủ tướng nêu ba lý do khiến tự chủ đại học mới đạt một phần

Các đại học Việt Nam hiện nay vẫn gặp khó khăn trong tự chủ vì những lý do từ cả cơ quan quản lý nhà nước, nhà trường và người học.

Tại hội thảo “Giáo dục đại học – Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế” diễn ra ngày 17/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tầm quan trọng của tự chủ đại học và giải trình đối với giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay.

Ông Đam cho rằng, quá trình thực hiện tự chủ đại học của Việt Nam bắt đầu từ khi Thủ tướng thành lập hai đại học quốc gia, không chỉ với mục đích xây dựng hai đại học lớn mà còn để có một số quyền tự chủ trong bối cảnh quyền của tất cả đại học Việt Nam tập trung hết vào Bộ Đại học thời bấy giờ.

Sau đó, ở hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa VII, tự chủ đại học tiếp tục được nhắc tới. Đến năm 2004, Bộ Giáo dục có đề án thí điểm tự chủ 4 trường là Đại học Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, Ngoại ngữ và Kinh tế TP HCM nhưng đều dừng tại chỗ.

“Mãi đến năm 2014, qua những lần cọ xát mạnh mẽ, Việt Nam mới có 4 trường rồi 6 và bây giờ là 23 trường được thí điểm tự chủ. Tuy nhiên, đó mới chỉ là tự chủ một phần”, Phó thủ tướng nói.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Dương Tâm

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Dương Tâm

Ông Đam cho rằng có ba lý do từ ba phía khiến quá trình thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam gặp khó khăn. Thứ nhất là từ cơ quan quản lý nhà nước (gồm Bộ Giáo dục và bộ hoặc UBND các tỉnh là cơ quan chủ quản của các đại học).

“Về cơ bản, chúng ta nói lý thuyết về tự chủ nhưng vẫn không muốn buông quyền của mình. Sự cọ xát này giống y những năm 1990 khi đất nước đổi mới. Lúc ấy, chúng ta nói phải xóa cơ chế chủ quản với khoảng 10.000 doanh nghiệp nhà nước nhưng không bộ ngành nào muốn làm vậy”, ông Đam so sánh về việc Bộ Giáo dục, cơ quan chủ quản không muốn bỏ quyền quản lý với các trường.

Lý do thứ hai được Phó thủ tướng đưa ra là từ chính đại học. Bản thân lãnh đạo nhiều trường vẫn muốn duy trì cơ chế bao cấp bình quân từ ngân sách nhà nước.

Cuối cùng, theo ông Đam, người học và xã hội cũng là nguyên nhân khiến tự chủ chỉ đạt được một phần. Nhiều học sinh không muốn thay đổi mà biểu hiện rõ nhất là học phổ thông vất vả nên khi vào đại học thì có tâm lý buông thả vì biết chắc kiểu gì cũng ra được trường.

Phó thủ tướng nhận định đặt ra tự chủ đại học đồng nghĩa phải giải quyết được các yêu cầu của xã hội trong đó có hai băn khoăn lớn nhất. Thứ nhất là việc các trường tự chủ được quyền tăng học phí sẽ làm mất cơ hội tiếp cận giáo dục trình độ cao, chất lượng tốt của người nghèo. Thứ hai là tài sản đất đai, cơ sở vật chất, con người trong trường có thể bị thao túng, lãng phí, mất mát.

“Tuy nhiên, hai băn khoăn này không phải không có hướng giải quyết vì thế giới đã giải quyết được rồi”, ông Đam nói.

Về tài chính, việc tăng học phí cần đi kèm với lập quỹ học bổng giúp sinh viên nghèo. Đồng thời, nhà nước sẽ đặt hàng đào tạo những ngành đặc thù ít sinh viên theo học như ngành Pháp ý, Văn học nghệ thuật truyền thống hay Phê bình lý luận văn học. Về công tác quản lý tài sản, cơ chế hội đồng trường và trách nhiệm giải trình có thể giải quyết băn khoăn đó.

Đại học đang thí điểm tự chủ vẫn phải xin phép khi chi

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định đại học không phải cấp phổ thông kéo dài mà sứ mệnh quan trọng nhất là sáng tạo tri thức. Muốn vậy, các trường phải có quyền tự do học thuật, tự chủ về chuyên môn. Và để đảm bảo cho quyền này, trường phải được tự trị, tự quản mọi hoạt động tổ chức và tài chính.

Tự chủ về tài chính, theo Phó thủ tướng, là đại học được tự chủ về nguồn thu và nguồn chi. Trong đó, nguồn thu bao gồm học phí, hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ, sản xuất kinh doanh kết hợp với các doanh nghiệp, tài trợ từ doanh nghiệp, cộng đồng và ngân sách nhà nước.

Đồng thời, khi tự chủ về nguồn thu thì đại học cũng phải tự chủ về chi tiêu chứ không thể trong tình trạng có tiền nhưng tiêu vẫn phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước. Ông Đam cho biết ngay cả các trường đang được thí điểm tự chủ vẫn chưa được tự chủ hoàn toàn và vẫn phải xin phép khi chi.

Những vấn đề này cần được luật hóa trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học và các luật có liên quan.

“Tôi tin rằng giáo dục đại học của chúng ta như một đoàn tàu, sau nhiều năm gian khổ thì máy đã bắt đầu nổ. Bây giờ, điều quan trọng là thông qua luật “, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Dương Tâm