Nghịch lý đào tạo sư phạm: Điểm chuẩn thấp hay cao vẫn vắng thí sinh
“Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” là thực trạng tồn tại nhiều năm. Nhiều trường sư phạm, dù điểm chuẩn cao hay thấp, vẫn không có người học.
Những năm gần đây, câu chuyện ngành sư phạm “ế khách” luôn “nóng” mỗi mùa xét tuyển.
Mùa tuyển sinh 2018, để khắc phục sự “xuống dốc” của các trường sư phạm, Bộ GD&ĐT đã quy định mức điểm sàn riêng. Theo đó, thí sinh đăng ký vào các đại học sư phạm phải đạt từ 17 điểm, cao đẳng sư phạm từ 15 điểm trở lên. Tuy nhiên, với mức điểm sàn này, nhiều trường sư phạm vẫn không tuyển được thí sinh.
Không tuyển được thí sinh
Cao đẳng Sư phạm Nghệ An năm nay lấy điểm chuẩn 20 nhưng không có thí sinh trúng tuyển. Đó là các ngành Sư phạm Toán, Sư phạm Văn học và Sư phạm Sinh.
Những ngành còn lại có thí sinh trúng tuyển là Giáo dục Mầm non với 90 người. Ngành Giáo dục Tiểu học có 34 em trúng tuyển. Ngành Sư phạm Tiếng Anh có 3 thí sinh trúng tuyển.
Giải thích về điểm chuẩn cao nhưng không có thí sinh nhập học, ông Trần Anh Tư, Phó hiệu trưởng Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, cho biết điểm chuẩn các ngành Sư phạm Toán học, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Ngữ văn do trường đặt ra để đảm bảo chất lượng đầu vào.
Tuy nhiên, thống kê số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển qua hệ thống đăng ký trực tuyến của Bộ GD&ĐT cho thấy không có thí sinh nào trúng tuyển. Mỗi ngành chỉ có một vài thí sinh đăng ký, và những em này cũng không đủ điểm sàn theo quy định (15 điểm), do vậy không có ai trúng tuyển.
Ở trường hợp hy hữu khác, điểm chuẩn ngành Sư phạm Ngữ văn của Cao đẳng Sư phạm Gia Lai được nâng lên 23 để loại thí sinh duy nhất trúng tuyển.
Giải thích về điều này, TS Nguyễn Thị Thu Hà, Phó hiệu trưởng Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, cho biết thực chất, điểm chuẩn vài ngành của trường không cao đến mức 20, 23. Nhưng với thực tế nhiều ngành chỉ có vài ba thí sinh đăng ký nguyện vọng, nếu các em trúng tuyển, nhà trường cũng không thể mở lớp, bố trí giảng viên…
Vì thế, trường đã đưa ra mức điểm chuẩn cao hơn điểm thi của thí sinh để… loại. Theo đại diện nhà trường, các em sẽ có cơ hội trúng tuyển vào ngành hoặc trường khác ở nguyện vọng 2, 3 trong đợt xét tuyển lần một.
Nhiều sinh viên giỏi từ chối ngành sư phạm. Ảnh minh họa: Lê Hiếu. |
Ở kỳ xét tuyển năm 2017, điểm chuẩn vào sư phạm được các trường cao đẳng địa phương hạ thấp xuống mức “vơ bèo vạt tép”. Mức trúng tuyển cho tổ hợp 3 môn chỉ “loanh quanh” 9, 10 điểm những cũng không tuyển được sinh viên.
Cụ thể, Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh lấy 9 điểm theo kết quả thi THPT quốc gia với các ngành Sư phạm Toán, Sư phạm Sinh, Sư phạm Ngữ văn. Điều này đồng nghĩa việc chỉ 3 điểm mỗi môn, thí sinh đã trúng tuyển.
Tương tự, Cao đẳng Sư phạm Lào Cai lấy điểm trúng tuyển hệ chính quy là 9,5. Cao đẳng Sư phạm Hà Nam, Hải Dương có điểm chuẩn của tất cả ngành học là 10.
Điều này khiến dư luận nghi ngại về chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai. Tháng 8/2017, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, trong cuộc họp với hiệu trưởng các cơ sở đào tạo sư phạm cả nước, khẳng định sẽ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào riêng đối với các trường đại học, cao đẳng sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên. Các trường đại học, cao đẳng khác từ năm 2018 được tự quy định mức điểm sàn.
Trong cuộc họp vào tháng 12/2017, bộ trưởng một lần nữa nhấn mạnh phải tuyển những học sinh ưu tú vào trường sư phạm, các trường không vì chạy theo chỉ tiêu mà chấp nhận điểm đầu vào thấp. Bộ trưởng yêu cầu trường phối hợp địa phương để xác định nhu cầu nhân lực giáo viên, từ đó xác định chỉ tiêu.
Chất lượng ngành sư phạm quyết định thành bại của đổi mới giáo dục
Tại hội nghị tổng kết năm học năm 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 của Bộ GD&ĐT, bày tỏ băn khoăn về tuyển sinh ngành sư phạm, GS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội – cho hay các trường hiện chưa làm tốt việc đào tạo gắn với sử dụng, do đó tạo nên sự dư thừa. Việc quy hoạch các trường dù đã tiên lượng được hậu quả nhưng vẫn chưa đưa ra được giải pháp khả thi.
GS Minh cho hay chất lượng đào tạo sư phạm quyết định sự thành bại của đổi mới, trong đó phụ thuộc vào chất lượng đầu vào; chương trình đào tạo và cách thức đào tạo; cơ sở vật chất; đội ngũ giảng viên. Nếu không đủ điều kiện đảm bảo đó, chúng ta rất khó có thầy giỏi.
Ông Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
Hiệu trưởng này chỉ ra 3 yếu tố khiến học sinh giỏi ít mặn mà với sư phạm là việc làm, thu nhập, tôn vinh và cơ hội thăng tiến. Ông kiến nghị Bộ GD&ĐT cần đưa ra luận cứ, thời gian, kế hoạch cơ sở kịp thời để trình Chính phủ công tác quy hoạch thay đổi kịp thời cho các trường sư phạm.
Bộ GD&ĐT cần đề xuất với Chính phủ, bởi một mình bộ không làm được vì có trường thuộc bộ quản lý, có trường trực thuộc tỉnh. Việc quy hoạch liên quan sự sắp xếp biên chế các đơn vị nên cần có sự triển khai thống nhất giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ.
Đồng thời, trên cơ sở sáp nhập lại quy hoạch, Bộ Tài chính cần có chiến lược đầu tư cụ thể để tạo ra các phân khúc đột phá trong phát triển đào tạo sư phạm.