‘Loạn’ sách tham khảo, bổ trợ, hàng tỷ đồng tiền hoa hồng vào túi ai?

‘Loạn’ sách tham khảo, bổ trợ, hàng tỷ đồng tiền hoa hồng vào túi ai?

 Ngoài sách giáo khoa, phụ huynh được gợi ý mua nhiều đầu sách tham khảo, bổ trợ không cần thiết, gây lãng phí. Đằng sau những đầu sách này là khoản tiền hoa hồng vào túi cá nhân.

Đầu năm học mới, phụ huynh ở nhiều tỉnh thành bày tỏ lo ngại về những đầu sách tham khảo, bổ trợ với tên gọi na ná nhau. Học sinh lớp 1 cũng có đến gần chục đầu sách tham khảo, bổ trợ. Đặc biệt, nhiều nơi còn có sách dành riêng cho học sinh tại địa phương.

“Loạn” sách tham khảo, sách bổ trợ

Năm học mời vừa bắt đầu, nhiều phụ huynh có con học tiểu học trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hoang mang trước yêu cầu của nhà trường về việc mua vở luyện viết dành riêng cho địa phương.

Không chỉ Quảng Nam, phụ huynh có con học tiểu học tại Hà Nội cũng tỏ ra băn khoăn với những đầu sách dành riêng cho học sinh thủ đô. Nhiều người cho rằng đây là biểu hiện của tính cục bộ địa phương, khi sách cũng chia theo tỉnh thành, gây áp lực về mặt tài chính cho phụ huynh.

Tại TP.HCM, một số phụ huynh ngỡ ngàng khi có trường thông báo mua thêm nhiều sách hướng dẫn, bổ trợ bên cạnh sách giáo khoa chính thống như Học mỹ thuật theo định hướng phát triển năng lực, Luyện tập tin học. Cả 2 sách đều do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, giá đắt hơn nhiều lần so với sách giáo khoa.

Chị Hoàng Xuân (Tân Bình, TP.HCM) có con học lớp 1 cho biết đầu năm, nhà trường thông báo phụ huynh phải mua trọn bộ sách giáo khoa theo yêu cầu của trường, trong đó có quyển Luyện tập tin học.

“Nhà trường yêu cầu, mình mua thôi, các giáo viên giải thích sách này cần dùng khi học môn Tin”, chị Xuân cho biết.

Nguyên hiệu trưởng của một trường tiểu học ở quận 4, TP.HCM, cho hay môn Tin học ở bậc tiểu học là chương trình tự chọn. Do đó, tùy theo mỗi trường dạy theo chương trình hoặc chuyên đề này, sẽ có những sách hướng dẫn, bổ trợ. Các sách được sử dụng đều nằm trong danh mục cho phép của sở GD&ĐT.

Trong khi đó, chị Lan Anh, phụ huynh có con học lớp 1 tại Hà Nội, cho biết nhà trường đưa ra danh mục những đầu sách, đồ dùng học tập cần mua. Dù mới học lớp 1, các cháu phải học nhiều loại sách khác nhau, đến phụ huynh cũng không nhớ hết tên.

Đơn cử như sách giáo khoa đã có cuốn Tập bài hát nhưng trường vẫn yêu cầu mua thêm cuốn Âm nhạc Hà Nội. Không cần biết sách có cần thiết cho học sinh không nhưng nhà trường đã đưa ra thì phụ huynh buộc lòng phải mua.

Tình trạng “loạn” sách tham khảo, bổ trợ thể hiện rất rõ ngay với học sinh lớp 1. Danh mục sách giáo khoa và sách bổ trợ cho học sinh lớp 1 tại Hà Nội lên đến 24 cuốn.

Trong đó, có đến 7 cuốn sách bổ trợ là vở luyện chữ đẹp quyển 1, luyện đọc hỗ trợ học vần, Thực hành mỹ thuật 1/1 (theo định hướng phát triển năng lực), Thực hành mỹ thuật 1/2 (theo định hướng phát triển năng lực), Thực hành Tiếng Việt và Toán lớp 1/1, Thực hành Tiếng Việt và Toán lớp 1/2, Ôn tập kiểm tra đánh giá năng lực học sinh môn Tiếng Việt 1/1.

Hưởng lợi hàng tỷ đồng từ sách bổ trợ, tham khảo

Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục của một tỉnh (xin giấu tên) cho biết sở dĩ có chuyện “loạn” sách giáo khoa, sách bổ trợ ở các tỉnh hiện nay là do lợi ích đằng sau việc đưa những sách này vào nhà trường.

Theo người này, lãnh đạo các phòng, ban liên quan đề xuất mua sách bổ trợ (đối với học sinh) hoặc tài liệu nâng cao kiến thức chuyên môn (giáo viên) sẽ được nhà xuất bản chi hoa hồng từ 30%-45% giá mỗi đầu sách.

Hàng năm, ngân sách cho ngành giáo dục của mỗi tỉnh luôn có một phần nhất định dành cho mua sách nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng cho giáo viên, học sinh nói chung. Số tiền đó lên đến vài tỷ đồng mỗt năm và 30%-45% tiền hoa hồng là con số không nhỏ.

Chỉ cần làm phép toán đơn giản, tình trạng trên diễn ra ở hàng chục địa phương, tiền hoa hồng sẽ lên đến hàng tỷ đồng.

'Loan' sach tham khao, bo tro, hang ty dong tien hoa hong vao tui ai? hinh anh 3
Phụ huynh tỏ ra nghi ngờ với những cuốn sách mang tính chất địa phương. Ảnh: Chụp màn hình.

Thông thường, lãnh đạo phòng chuyên môn tiểu học, trung học, giáo dục thường xuyên của sở GD&ĐT chịu trách nhiệm đề xuất mua sách, tài liệu bổ trợ dành cho học sinh, giáo viên trong tỉnh. Do đó, số tiền hoa hồng từ các nhà xuất bản cũng sẽ vào túi những người này.

“Đằng sau việc đề xuất mua sách, tài liệu tham khảo luôn tồn tại lợi ích nhóm của một số người. Tỉnh nào cũng có. Đáng nói, những sách này không cần thiết, nhiều sách mua về cũng chỉ xếp vào tủ kính trưng bày”, người này khẳng định.

Ngoài ra, một “chiêu” được sở giáo dục các tỉnh áp dụng là đặt hàng nhà xuất bản viết riêng một cuốn sách cho tỉnh mình, sau đó tìm cách đưa vào trường học và hưởng lợi từ phần tiền hoa hồng của nhà xuất bản.

“Vào đầu năm học, các trường sẽ đưa ra danh mục những đầu sách cần mua. Đánh vào tâm lý chung của phụ huynh đều muốn chăm chút cho việc học của con em mình nên 1, 2 cuốn sách lạ không đáng kể đối với họ. Nếu các con xin tiền mua truyện thì bị rầy la, chứ mua sách còn được cha mẹ khuyến khích thêm. Đây chỉ là gánh nặng đối với những gia đình có điều kiện khó khăn. Thông thường, các sở giáo dục sẽ chỉ đạo trường mua loại sách gì”, vị này cho biết.

Luật giáo dục ‘mở đường’ cho tiêu cực sách giáo khoa Theo TS Lê Viết Khuyến, Luật giáo dục hiện hành “mở đường” cho tiêu cực khi quy định “một chương trình, một bộ sách giáo khoa”.