Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội khuyến khích sinh viên hành động thay vì nói suông

Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội khuyến khích sinh viên hành động thay vì nói suông

GS Nguyễn Văn Minh nhắn nhủ sinh viên “hãy đi tìm lời đáp cho câu hỏi nghèo khó vì đâu, hãy tìm cách để làm cho đất nước giàu có”.

Ngày 12/9, Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức lễ khai giảng năm học 2018-2019. Trước hàng nghìn sinh viên, học viên và phụ huynh, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường, đã có bài phát biểu nhận được tràng pháo tay lớn từ khắp khán đài trong nhà thể thao đa năng của trường.

Lê Quỳnh Anh, tân sinh viên khoa Toán – Tin, chia sẻ được truyền cảm hứng rất nhiều sau khi dự lễ khai giảng và đặc biệt ấn tượng với những lời khuyên của thầy hiệu trưởng.

Trong lễ khai giảng, ông Nguyễn Văn Minh trao quà cho tân sinh viên có thành tích xuất sắc. Ảnh: Dương Tâm

Trong lễ khai giảng, ông Nguyễn Văn Minh trao quà cho tân sinh viên có thành tích xuất sắc. Ảnh: Dương Tâm

Dưới đây là phần nội dung chính trong bài phát biểu của ông Nguyễn Văn Minh.

“Tuần trước, chúng ta đã chứng kiến thông tin, hình ảnh ngày khai trường của những trẻ ở thị thành và những trẻ nơi rẻo cao, về đồng nghiệp của chúng ta đang lội rừng, lội suối, dầm mình trong mưa gió dọn bùn đất có chỗ cho ngày khai trường. Đã đến lúc không thể ngồi gõ bàn phím để buông ra vài câu chia sẻ, cảm thông, tại sao không làm một việc gì đó tử tế hơn, dù nhỏ nhoi để góp phần giảm bớt những nỗi nhọc nhằn của họ?

Đừng nói suông nữa, hãy làm gì đi và hãy chuẩn bị thật tốt cho tương lai để làm tốt hơn những việc đáng làm có nghĩa cho đời. Đừng lười biếng nữa, đừng vạ vật gửi đời mình cho cõi vô vọng nữa, đừng lãng phí và hoang hóa cuộc đời tuổi trẻ, đừng buông bỏ những gì đang tốt đẹp trong các em và trong cõi đời này, hãy mở cõi lòng và hãy mở rộng vòng tay để đón nhận và chăm bẵm những gì tốt đẹp đang còn trong gian khó.

Hãy đi tìm lời đáp cho câu hỏi nghèo khó vì đâu và hãy đi tìm cách để làm cho đất nước này giàu có.

Đừng ngồi hỏi vì sao, mà hãy đi tìm lời đáp cho những gì còn đau lòng đang diễn ra ngoài cuộc sống. Công lý và sự trong sáng trong tinh thần phải được khơi thông, thông qua giáo dục tiến bộ. Đừng buông rèm trong gác nhỏ, hãy dành thời gian bước đi, đi xa hơn để hiểu hơn những gì đang có, để thấy rằng ý nghĩa của cuộc đời không chỉ sống cho riêng ta.

Chúng ta bắt đầu một hành trình mới, quá khứ đã thôi thúc chúng ta đi về tương lai bằng niềm tin, bằng lòng kiêu hãnh và cả những đau đáu về những lo toan cho hôm nay và cho cả mai sau. Chúng ta đang nghe sự hối thúc của thời đại, nghe sự giục giã của những người đã dựng nước và giữ nước và những người đang khát vọng về một Việt Nam vươn xa.

Chúng ta đang chứng kiến những trăn trở của bà con về giáo dục đất nước; chúng ta đang xót xa vì ở đâu đó đã làm xói mòn lòng tin với giáo dục. Chúng ta sẻ chia với những đồng nghiệp đang gồng mình trong mưa lũ vì những thế hệ tương lai, vì họ vẫn vững chãi niềm tin. Vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm tạo dựng và đảm bảo niềm tin cao đẹp đó.

Chúng ta cần định vị mình trong bản đồ giáo dục đất nước và tọa độ của mình trên bình diện toàn cầu. Chỉ có vậy mới khai sáng được tầm nhìn và hành động khôn ngoan để vượt lên phía trước.

Chúng ta có trách nhiệm lan tỏa tri thức là vốn quý của đời người, biến tri thức thành sản phẩm hữu hình để phụng sự xã hội và phát triển đất nước là hành động cao cả. Vì vậy, coi trọng giáo dục và làm tốt công việc giáo dục chính là tạo đà cho phát triển. Làm sao để người lớn bàn nhiều về tủ sách thay vì bàn về tủ rượu; làm sao để con trẻ luôn thích tìm tòi, khám phá hơn là chỉ thích tìm kiếm miếng ngon.

Chúng ta có bổn phận lan tỏa tình yêu thương của dân tộc và đồng loại. Những thiên tai và bão lũ, một mặt do thiên nhiên, nhưng mặt khác là do can thiệp thô bạo của con người vào thiên nhiên; những tội ác và hành động dã tâm giữa người và người là do tình yêu thương bị đánh mất. Những quan hệ xã hội bị ngờ vực vì niềm tin suy giảm và các giá trị chính đáng bị bào mòn; và chúng ta, hơn ai hết có nghĩa vụ bồi đắp yêu thương và gây dựng niềm tin đối với cuộc đời.

Đừng thần tượng hóa mọi điều trong cuộc sống, mà phải biết tìm cách nghĩ về những điều mới hơn, tốt hơn; vì nếu không, cội nguồn sáng tạo sẽ bị ngăn cản; vì rằng, đứng nơi mặt trời lặn người ta thấy ánh sáng rõ hơn nơi mặt trời mọc. Khơi thông trí tuệ con người và định hình những cung bậc cảm xúc chân chính cho họ là nghĩa vụ cao cả của giáo dục.

Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu trong lễ khai giảng. Ảnh: Dương Tâm

Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu trong lễ khai giảng. Ảnh: Dương Tâm

Thầy mừng vui vì một thế hệ mới đã đến với Đại học Sư phạm Hà Nội, các em đã biết gạn lọc tinh túy, biết lược bỏ những rào cản về cả tâm lý, cả về quan niệm nhất thời, vượt qua những dư luận không công bằng, đối diện với khó khăn ngay cả trong tương lai để đến với trường vì các em có niềm tin chân chính. Có nhiều lựa chọn cho tương lai, nhưng lựa chọn duy nhất chỉ dành cho những ai can đảm và thông minh, lựa chọn vì nghĩa lớn không phải ai cũng sẵn sàng được cả. Vì vậy, thầy cô và bản thân thầy tự hào về các em.

Hôm nay, thầy không muốn nói với các em về quá khứ, vì quá khứ đã đầy ắp trong trí tưởng mỗi em, những kỳ đài vinh quang mà các em đã từng bước đến. Thầy mong muốn mỗi em biết trân trọng quá khứ, nhưng đừng sống chỉ bằng quá khứ mà hãy dám sống vì tương lai, không phải chỉ bằng tương lai cho riêng mình mà vì tương lai của một dân tộc.

Phải biết đặt yêu cầu của thời cuộc vào chính yêu cầu của chính mình thì mới làm được việc có nghĩa. Sẽ phải chơi vơi với lưng chừng cuộc sống vì bâng khuân không biết phải làm gì.

Vận hội và tương lai của một dân tộc phải tự quyết bằng dân tộc đó. Thấy nước nghèo thì chung tay làm cho nước khá hơn, chứ chỉ ngồi kêu ca thì cũng chẳng ích gì. Đừng trách cha mẹ mình nghèo, nhưng nếu tương lai chính mình nghèo khó mới là điều đáng trách.

Trong thời đại ngày nay, thiếu đi học vấn, thiếu đi tri thức và thiếu đi khả năng làm việc sáng tạo thì khó có thể vươn lên. Giáo dục là cách thức duy nhất để đem lại bình đẳng cho mọi người, để họ được thụ hưởng những tiến bộ xã hội và có khả năng đóng góp phát triển đất nước.

Thời đại công nghệ số đang ngự trị toàn cầu, len lỏi vào từng hoạt động của mỗi con người, thậm chí chi phối cả về cách nghĩ của từng người, đâu đó chế ngự cả cảm xúc. Thời đại công nghệ số, thậm chí thầm lặng đẩy con người ra khỏi vị trí công việc, tước đi quyền lao động, thay vào đó là những thiết bị tự động hóa, những robot. Nhưng chủ nhân của những cỗ máy đó không ai khác là con người, những người tạo ra trí tuệ từ trí tuệ của chính họ. Chúng ta sẽ là chủ nhân hay là người thất nghiệp, người bị người khác lập trình, đây là câu hỏi thời đại đặt ra cho thế hệ hôm nay.

Điều này cũng dấy lên những sự lo âu thực sự về mặt xã hội. Liệu chăng sự chi phối đó sẽ làm thay đổi tiêu cực đến quan hệ xã hội hay không? Hiện nay, người ta đang chỉ tập trung vào những mặt tích cực của công nghệ số và sức mạnh của nó, mà chưa chú trọng một cách đúng mức về sự tác động của nó đối với xã hội và văn hóa. Liệu chăng những câu nói cụt ngủn, những câu vô chủ có chiếm lĩnh giao tiếp hàng ngày giữa người và người hay không, liệu chăng nó có làm xơ cứng quan hệ xã hội hay không. Chúng ta cần có lời đáp và bổn phận của chúng ta là làm cho nhiều người biết sử dụng công nghệ số để làm cho xã hội tốt hơn, người và người yêu quý nhau hơn, chứ không phải lệ thuộc vào nó.

Chúng ta có những truyền thống, những nét văn hóa đặc trưng và đó chính là cội nguồn của trường tồn dân tộc. Hãy biết giữ gìn và bảo vệ lấy. Thông điệp cho tương lai rằng, cái vốn quý văn hóa, những giá trị cốt cách của dân tộc sẽ bị bào mòn, thậm chí bị nô dịch nếu chúng ta thiếu bản lĩnh và không vươn lên giàu có. Hãy giáo dục một thế hệ tương lai biết sẻ chia, thông cảm, nhưng đừng có ý nghĩ về mong muốn sống bằng sự ban ơn.

Các em học để làm chủ và giáo dục cho thế hệ tương lai làm chủ, để xây dựng một quốc gia độc lập, tự cường trong bang giao hòa bình vì một thế giới tốt đẹp, những lo lắng nói trên sẽ trở thành không quan ngại nếu có một nền giáo dục tốt, một nền giáo dục khai mở, tiến bộ, giàu nhân văn và mang đậm văn hóa dân tộc; đồng hành với nó là những thầy cô thức thời và trách nhiệm.

Thầy mong các em nhận diện rằng, đất nước chúng ta còn nghèo, những mảng tối đâu đó đang có đất ký sinh, nền sản xuất nông nghiệp và thủ công còn khá giản đơn, công nghệ sau thu hoạch còn rất lạc hậu, đầu tư nước ngoài có tăng nhưng lao động người Việt hầu hết là công nhân trong các khâu gia công, lắp ráp. Các em nghĩ gì và đặt ra trách nhiệm cho chính mình ra sao.

Từ nhận thức đến hành động có khoảng cách, cách rút ngắn tối ưu chỉ dành cho những người thông minh, bản lĩnh và chân chính, và thầy mong các em là những người như thế.

Tuy nhiên, chỉ một mình không đủ sức kham để thay đổi cả một tiến trình mà cần sự đồng hành của nhiều người, và điều đó chỉ thực hiện được thông qua con đường giáo dục. Muốn làm được việc đó bản thân mỗi sinh viên cần có nền tảng tri thức, có phương pháp làm việc khoa học, có cách thức khơi dậy những giá trị, những khát vọng cho người khác để họ sáng tạo trong tương lai. Và vì vậy, khi còn là sinh viên cần chăm chỉ học tập, nghiên cứu, tu dưỡng, tìm hiểu thực tiễn và tham gia các hoạt động khác, dám phiêu lưu, biết dành thời gian cho bổn phận và cho tình yêu thương để mai ngày không tiếc nuối.

Xã hội hiện đại cần những người nói được thì làm được, chứ không phải chỉ nói giỏi mà chẳng biết làm gì…”.

Dương Tâm