Đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội, nam sinh tính bỏ để đi làm thuê

Đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội, nam sinh tính bỏ để đi làm thuê

Lau những dòng nước mắt trên gò má, bà Chiểu (Hà Tĩnh) bảo đã đi cầm cố miếng đất lấy tiền cho cháu đi học, song bị từ chối.

Đỗ đại học Bách khoa Hà Nội, nam sinh tính đi làm thuê

Phương và bà ngoại tâm sự về cuộc sống.

Căn nhà vách đất nhỏ bé, lụp xụp của bà Nguyễn Thị Chiểu (70 tuổi, trú thôn Ngụ Quế, xã Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) mấy hôm nay nhiều người ra vào chúc mừng. Cháu ngoại bà, Trần Thế Phương (học sinh trường THPT Cẩm Bình) vừa nhận giấy báo trúng tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyên ngành Kỹ thuật điện.

Bà Chiểu có ba người con, mẹ của Phương là thứ hai. “Ngày trẻ, vì lỡ duyên nên con gái đã sinh ra Phương. Được 18 tháng, tôi thay mẹ nó chăm sóc cháu cho tới bây giờ. Sau thời gian làm thuê ở miền Bắc, mẹ nó đi thêm bước nữa, hiện sống ở Thái Nguyên”, người phụ nữ có khuôn mặt lam lũ kể.

Phương và bà ngoại bên căn nhà vách đất ọp ẹp. Ảnh: Đức Hùng

Phương và bà ngoại bên căn nhà vách đất ọp ẹp. Ảnh: Đức Hùng

Dáng nhỏ thó, khuôn mặt hiền lành, Phương chia sẻ: “Hôm biết điểm đậu vào trường, em vui vì những nỗ lực của mình trong quá trình học được đền đáp. Song nghĩ tới việc bà ngoại đã tuổi già sức yếu, không biết lấy kinh phí đâu cho em nhập trường, em lại buồn”.

Từ khi lọt lòng tới năm lớp 9, Phương và bà ngoại sống trong căn nhà vách đất cũ kỹ, chỉ đặt được mỗi chiếc giường và vài vật dụng sinh hoạt cá nhân. Năm 2014, người cậu đã đưa Phương và bà sang sống ở căn nhà cấp bốn bên cạnh, song sinh hoạt của hai bà cháu và gia đình cậu đều độc lập.

Nhà cậu chật hẹp, nhiều người ra vào, Phương được bố trí góc học tập trên gác xép. Trong căn gác rộng chừng 6 m2, quần áo được giăng kín phòng, chiếc bàn nhựa cũ là nơi đặt sách vở, đồ dùng; ghế ngồi học của nam sinh là chiếc khuôn đóng gạch bỏ đi. “Trời mưa thì đỡ, chứ nắng thì ngồi một lúc là toát mồ hôi”, Phương nói.

Trần Thế Phương dự định cất giấy báo đại học làm kỷ niệm, nộp hồ sơ vào miền Nam xin việc. Ảnh: Đức Hùng

Trần Thế Phương dự định cất giấy báo đại học làm kỷ niệm, nộp hồ sơ vào miền Nam xin việc. Ảnh: Đức Hùng

Thấu hiểu nỗi vất vả của bà ngoại, hàng ngày ngoài những buổi đến trường, Phương tranh thủ đi chăn bò cho gia đình cậu và đi đánh bắt lươn, cáy ven sông. Xung quanh nhà, ống nhựa bẫy cáy được chất thành đống bỏ trong bì lưới, Phương bảo đó là “cần câu cơm” của hai bà cháu từ lúc nhỏ tới nay.

“Khoảng chập tối, em đi thả túm bắt lươn, đặt ống nhựa bắt cáy, đến 4h sáng hôm sau thức dậy sớm đi thu gom ống để về kịp giờ đi học. Những lúc gặp may cũng đủ tiền chi tiêu vài ngày cho hai bà cháu, hôm nào không đánh có tiền thì ăn nhờ cơm của cậu”, Phương nói.

Nam sinh tâm sự, nhiều đêm nằm không ngủ được, nghĩ đến cảnh mọi người có bố mẹ, anh chị quây quần mà tủi thân, ứa nước mắt, tự nhủ phải cố gắng học tập để sau này đền đáp công ơn nuôi dưỡng của bà. Từ lớp 1 đến lớp 12, Phương liên tục là học sinh khá. Em có năng khiếu môn Toán và Hóa học.

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Phương đạt 21 điểm khối A. Em đăng ký xét tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Bách khoa Đà Nẵng, hiện  trường ở Hà Nội đã thông báo ngày 21/8 có mặt để nhập học.

Căn gác xép nơi nam sinh dùi mài kinh sử. Ảnh: Đức Hùng

Căn gác xép của nhà cậu là nơi nam sinh “dùi mài kinh sử”. Ảnh: Đức Hùng

Bà Chiểu tâm sự, từ hôm nhận giấy báo, thấy cháu trầm tư hẳn, riêng bà cầm tờ giấy mà run lẩy bẩy, vừa mừng vừa lo. “Có miếng đất và căn nhà nhỏ, hôm trước tôi đã ra ngân hàng cầm cố, vay tiền cho cháu đi học. Song họ bảo tôi đã quá tuổi, không thể làm thủ tục vay được”, bà Chiểu vừa nói, nước mắt rưng rưng.

Hôm qua Phương đã làm vài bộ hồ sơ gửi vào miền Nam xin việc, hẹn giảng đường vào dịp khác. “Cũng có nhiều người tới động viên nên học tiếp, nhưng em chưa biết thế nào, vì chặng đường sắp tới rất dài”, Phương nói.

Thầy Võ Tá Tình, Hiệu phó trường THPT Cẩm Bình, đánh giá học trò kiên trì, luôn có ý thức vượt lên hoàn cảnh. “Hàng ngày phải đi bắt cáy kiếm sống, song em ấy không hề lơ là việc học, luôn tiếp thu kiến thức trên lớp tốt, ý thức tập thể rất cao”, thầy Tình nói.

Đức Hùng