Có cần thiết sáng tạo ra cách đánh vần kiểu mới?
Việc áp dụng cách đánh vần mới là không cần thiết, vì xưa nay bao thế hệ đánh vần kiểu cũ dễ hiểu và chẳng gặp trục trặc nào.
Có con nhỏ chuẩn bị vào lớp 1, phụ huynh tên Thư chia sẻ quan điểm về việc đánh vần kiểu mới.
Gần đây rầm rộ chuyện cải cách sách lớp 1 về việc đánh vần kiểu mới gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Tôi cũng là phụ huynh có con nhỏ và việc cải cách sau này còn ảnh hưởng tới cả một thế hệ nên ít nhiều quan tâm. Câu chuyện này làm tôi nhớ tới dịp làm việc với một kỹ sư người nước ngoài, xong việc tôi hỏi họ nghĩ sao, như thế nào về công trình này, về này kia (bao gồm cả chuyện công việc và chuyện phiếm).
Họ gật gù lịch sự bảo “người Việt Nam rất sáng tạo, và cũng rất thích sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo trên những thứ đã có rồi”. Tưởng như đùa, nhưng lại rất thâm thúy. Có nhiều việc thế giới đã có công nghệ, mình đưa nó về rồi tiếp tục cải tiến. So sánh như việc xây tòa tháp, thay vì phải xây tiếp tầng trên tầng đã có sẵn công nghệ thì mình lại ưu tiên xây lại từ đầu, nghĩ cách xây lại từ đầu (trong khi công nghệ của họ tiên tiến, bao năm áp dụng, bao nước áp dụng).
Đó là tôi chỉ phép so sánh chứ thực không phải chuyện nào cũng vậy. Nhưng việc áp dụng cách đánh vần mới này chính là việc sáng tạo vô bổ kiểu đó. Sáng tạo trên những thứ đã có sẵn, sáng tạo trong việc xưa nay bao thế hệ đánh vần kiểu cũ dễ hiểu và chẳng gặp trục trặc nào.
Việc nước Hàn phát triển giáo dục thần kỳ nhờ bưng nguyên sách Nhật về dịch để học là tấm gương lớn nhất. Tại sao các tiến sĩ không ưu tiên dành thời gian nghĩ ra phương pháp nào để tạo cho trẻ niềm hứng thú trong việc học hơn, ưu tiên việc thực hành so với lý thuyết hơn, mà lại đi sáng tạo những thứ không cần thiết đó?
Trước đó video cô giáo lớp 1 hướng dẫn đánh vần theo cách ba chữ cái c/k/q đọc là “cờ”, chữ “ki”, “qua” lần lượt đánh vần là “cờ-i-ci” và “cờ-ua-qua” gây xôn xao dư luận. Khác với cách đánh vần tiếng Việt được dạy nhiều năm nay trong bộ sách giáo khoa hiện hành (chữ c/k/qu lần lượt đọc là cờ/ca/quờ), cách dạy này theo không ít phụ huynh là khó hiểu và gây khó khăn trong việc hướng dẫn con học đọc.
Cách đánh vần của cô giáo trong video nói trên được dạy theo cuốn Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên. Sách được thẩm định đưa vào dạy thực nghiệm ở một số trường tiểu học từ năm học 2013-2014. Năm 2017, Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 lần nữa được thẩm định và tiếp tục cho sử dụng. Đến nay gần 50 tỉnh thành phố như Hải Dương, Ninh Bình, Hà Nội… có trường dùng cuốn sách này.