Cần rà soát những địa phương có điểm thi bất thường như Hà Giang

Cần rà soát những địa phương có điểm thi bất thường như Hà Giang

 Đại diện một số trường đại học và chuyên gia giáo dục bày tỏ sự lo lắng trước vụ việc gian lận thi cử ở Hà Giang. Nó ảnh hưởng công bằng xã hội và chất lượng giáo dục.

Quy trình chấm thi trắc nghiệm THPT quốc gia Theo quy định, quá trình xử lý và chấm bài thi trắc nghiệm THPT quốc gia được thực hiện theo 4 pha.

Vụ việc gian lận điểm thi tại Hà Giang là cú sốc lớn khi 114 thí sinh với hơn 330 bài thi  được nâng điểm. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Có những thí sinh được sửa lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95/3 môn.

Bộ GD&ĐT nên thanh tra nghi vấn điểm thi ở một số tỉnh

Ông Trần Văn Tớp, Trưởng phòng đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng nếu vụ việc Hà Giang không được làm sáng tỏ, đây là sự bất công đối với những thí sinh khác.

Rõ ràng, những trường hợp có gian lận điểm thi đều muốn sử dụng kết quả không đúng thực lực để xét tuyển vào các trường đại học hàng đầu. Trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường có hạn, thí sinh phải “chọi” nhau để có được tấm vé vào học, nhiều người lại dùng “hình thức xấu xí”, tước đi cơ hội của bạn khác.

Đại diện ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ khi biết tin Bộ GD&ĐT xác nhận có sai phạm trong khâu chấm thi tại Hà Giang, ông đã mất ngủ.

“Kết quả kỳ thi này là sự vào cuộc, nỗ lực của một hệ thống. Cả nước huy động biết bao nhiêu con người, lực lượng để tổ chức một kỳ thi như vậy. Nhưng chỉ một điểm xấu ở Hà Giang cũng đủ khiến xã hội hoài nghi về chất lượng của kỳ thi năm nay”, ông Tớp nói.

Can ra soat nhung dia phuong co diem thi bat thuong nhu Ha Giang hinh anh 1
Kết quả chấm thẩm định cho thấy hàng trăm bài thi trắc nghiệm ở Hà Giang bị nâng điểm. Đồ họa: Ngọc Châu.

Theo ông, xã hội hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi và nghi ngờ kết quả thi ở những tỉnh khác, kể cả kết quả thi THPT quốc gia của năm trước. Sự nghi ngờ như đóm lửa và sẽ lây lan nhanh chóng.

Cùng quan điểm với đại diện ĐH Bách khoa Hà Hội, nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT thanh tra, rà soát những tỉnh thành có nghi vấn về điểm thi như Hà Giang.

Ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ GD&ĐT, cho rằng bộ nên soi dữ liệu tất cả tỉnh thành trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. Nếu phát hiện dấu hiệu đáng ngờ, bộ nên thanh tra làm rõ.

“Đã thanh tra ở Hà Giang mà bỏ qua những bất thường ở tỉnh thành khác thì không công bằng cho thí sinh và cũng không đảm bảo một kỳ thi nghiêm túc, chính xác”, ông Ngọc nói.

Thầy Vũ Khắc Ngọc – giáo viên tại Hà Nội, một trong những người lên tiếng sớm về nghi vấn điểm thi ở Hà Giang – cũng đặt dấu hỏi với kết quả điểm thi của tỉnh Sơn La.

Theo ông Ngọc, nếu không xử lý trường hợp gian lận tại Hà Giang thì sẽ rất bất công với thí sinh cả nước. Xử lý sai phạm ở Hà Giang mà không xem xét điểm thi tỉnh Sơn La hay những nghi vấn ở nơi khác thì lại bất công với chính những thí sinh ở Hà Giang.

Tương tự, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cũng mong Bộ GD&ĐT sẽ thanh tra kết quả thi THPT quốc gia 2018 ở các tỉnh thành có nghi vấn.

Trường đại học sẽ đào thải thí sinh kém

Trường đại học là nơi tiếp nhận và đào tạo những thí sinh có nguyện vọng, năng lực học tập tại trường. Trường hợp của Hà Giang và những nơi khác, nếu có tiêu cực nhưng không được phanh phui, sẽ ảnh hưởng trực tiếp chất lượng đầu vào của các trường.

Can ra soat nhung dia phuong co diem thi bat thuong nhu Ha Giang hinh anh 2
Số điểm cao nhất được nâng lên đến 8,75 đối với một môn thi. Đồ họa: Ngọc Châu.

Là người làm công tác đào tạo, ông Tớp cho rằng dù chất lượng đầu vào không quyết định chất lượng đầu ra, nhưng về mặt nào đó vẫn có sự tương quan. Các trường luôn muốn tuyển được sinh viên tốt nhất. Tuy nhiên, chất lượng đầu vào không phải yếu tố trực tiếp quyết định chất lượng đào tạo.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, kể cả những thí sinh gian lận trúng tuyển vào các trường đại học tốt thì cũng khó “sống sót” qua 4, 5 năm học đại học.

“Nếu học lực của những thí sinh này quá kém, dù có 3 môn 12 điểm đi chăng nữa, thì cũng khó vượt qua được những môn học ở trường đại học. Những trường càng uy tín, chất lượng, khâu đào tạo, kiểm tra, đảm bảo chất lượng của họ càng khắt khe, chưa kể khối lượng kiến thức cũng cực kỳ lớn”, ông Dũng lý giải.

Liên quan sai phạm trong khâu chấm thi tại Hà Giang, TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT, cho rằng nếu Bộ GD&ĐT tổ chức chấm thi tập trung thay vì giao về cho các địa phương như hiện nay thì sẽ giảm nguy cơ gian lận nhiều hơn.

Ông Tùng cho rằng nếu bài thi được gom về chấm tập trung ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ thì Bộ GD&ĐT sẽ có điều kiện trực tiếp giám sát, hạn chế can thiệp từ bên ngoài.

Theo TS Đàm Quang Minh, vụ việc ở Hà Giang sẽ càng thúc đẩy các trường đại học tự tổ chức tuyển sinh theo phương thức riêng. Đặc biệt, các ngành đặc thù như công an, quân đội, y dược, sư phạm lại càng cần những hình thức tuyển sinh riêng biệt.

“Điểm thi chỉ phản ánh một góc phiến diện của người học nên tuyển sinh chỉ dựa vào duy nhất điểm thi sẽ không bao giờ chính xác. Đối với các trường có mức chọn lọc cao, điểm thi chỉ là yếu tố căn bản để họ xem xét, sau đó có kỳ thi riêng hoặc phỏng vấn. Trường bình thường có thể tùy nhu cầu của mình để đặt ra mục tiêu”, ông Minh nói.

A83 Bộ Công an nói về việc hơn 300 bài thi ở Hà Giang bị sửa điểm Ông Nguyễn Cao Khương – Phó phòng 4 A83 Bộ Công an – cho biết đang tiếp tục điều tra xem việc sửa điểm hàng trăm bài thi này có liên quan đến những người khác hay không.
Can ra soat nhung dia phuong co diem thi bat thuong nhu Ha Giang hinh anh 3