Bốn bước chấm thi THPT quốc gia có thể tránh gian lận
Phương pháp của thầy giáo Bùi Minh Quân (TP HCM) chủ yếu sử dụng mã hóa và mô phỏng giống như chấm thi tự luận.
Sau những gian lận trong khâu chấm bài của kỳ thi THPT quốc gia 2018, với kinh nghiệm nhiều năm tổ chức kiểm tra và thi trắc nghiệm, thầy giáo Bùi Minh Quân (Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, TP HCM) đưa ra giải pháp chấm bài chặt chẽ hơn.
Phương pháp này chủ yếu là sử dụng mã hóa và mô phỏng giống như chấm thi tự luận. Ta sẽ thực hiện lần lượt các bước sau (có minh họa bằng hình vẽ bên dưới).
Bước 1: Chuyển bài thi thành file ảnh bằng máy quét.
Bước 2: Cắt phách
Máy tính sẽ cắt phách bằng cách tách file ảnh bài thi thành 2 phần: phần thông tin thí sinh và phần bài làm, đồng thời tên file của 2 phần này sẽ được mã hóa. Để thực hiện được quá trình tách này, cần có một tập hợp các key (mật mã để mã hóa).
Tập hợp các key này có thể do mỗi tỉnh giữ một key và quá trình tách, ghép sau này cũng phải cần key của tất cả tỉnh thành. Khi máy tính cắt phách ở bước này cần xóa đi đường biên cắt của phách và bài làm để giả sử khi nhìn vào 2 phần phách và bài khớp nhau cũng không biết được.
Bước 3: Chấm bài
Sẽ có hai bộ phận chấm. Một bộ phận chấm phần mã số thí sinh để xuất được thông tin ra file excel gồm mã số thật của thí sinh và mã số phách. Bộ phận còn lại chấm bài để xuất ra file excel gồm mã số của bài và điểm bài thi.
Với cơ chế này, hai bộ phận muốn bắt tay nhau để làm điều sai trái cũng không thể biết được phách và bài tương ứng. Bước này còn có thể cho máy tính trộn ngẫu nhiên để chấm chéo các tỉnh với nhau, và các tỉnh cũng không biết thông tin gì về bài mình đang chấm.
Bước 4: Ráp phách
Sau khi có hai file excel thì sẽ cho phần mềm ráp phách. Để ráp được thì cần phải có bộ key của tất cả tỉnh thành đưa vào để giải mã. Khi đó, máy tính sẽ tính toán để cho biết phách nào tương ứng với bài nào. Khâu này cần có sự chứng kiến của nhiều đơn vị.
Với quy trình như trên ta sẽ thực hiện rất nhẹ nhàng nhờ sự trợ giúp mã hóa của máy tính. Việc gian lận chỉ có thể xảy ra khi tất cả tỉnh thành bắt tay nhau để giải mã phách và mã bài trong quá trình chấm.
Năm 2018, cả nước có hơn 900.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia với hai mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Thí sinh làm 5 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Trừ Ngữ văn, các môn còn lại thi trắc nghiệm.
Ngày 11/7, Bộ Giáo dục công bố điểm thi, dư luận bất ngờ khi Hà Giang, Sơn La có số thí sinh đạt điểm giỏi tăng đột biến, trong khi điểm trung bình các môn của thí sinh hai tỉnh thuộc diện thấp nhất cả nước. Tại Lạng Sơn, nhóm thí sinh tự do là cảnh sát cơ động cũng có nhiều điểm khá giỏi. Bộ Giáo dục sau đó thành lập 3 tổ công tới 3 địa phương xác minh dấu hiệu bất thường trong điểm thi. Kết quả Hà Giang có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi được nâng tổng điểm từ 1 lên 29,95. Ông Vũ Trọng Lương, Trưởng phòng Khảo thí của Sở Giáo dục Hà Giang đã bị bắt vì trực tiếp sửa điểm. Tại Sơn La, tổ công tác phát hiện 5 cán bộ Sở Giáo dục sửa điểm cả bài tự luận và trắc nghiệm. Tuy nhiên, hiện chưa xác định có bao nhiêu bài thi trắc nghiệm được sửa, cách thức sửa thế nào. Tại Lạng Sơn, tổ công tác của Bộ Giáo dục chưa thấy có dấu hiệu bất thường, dù 8 bài thi Ngữ văn tự luận đã bị hạ điểm. |
Bùi Minh Quân
Giáo viên Toán Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng