Bạo hành trẻ: Tại sao quỷ sứ lọt vào nơi cần tình yêu thương?

Bạo hành trẻ: Tại sao quỷ sứ lọt vào nơi cần tình yêu thương?

Mỗi người đều có một con quỷ ẩn náu trong mình. Nếu không đủ yêu thương, không học được cách kiềm chế con quỷ ấy, bạn đừng làm bất cứ công việc gì cần sự kiên nhẫn.

Mầm non Ánh Sao Vàng, quận Bình Chánh, TP.HCM, một cơ sở giữ trẻ nhỏ như nghìn vạn điểm giữ trẻ tư nhân cài giữa các khu dân cư, lại nổi bần bật giữa tâm điểm dư luận.

Lần này, đứa trẻ 5 tuổi bị cô giáo 26 tuổi tát liên tiếp tới mức qua ngày vẫn in hằn dấu ngón tay. Bé còn bị cô dọa cắt lưỡi nếu mách gia đình. Truyền thông loan tin bé bị cô đánh nứt xương hàm. Hẳn nhờ sức nặng của 3 chữ “nứt xương hàm” nên công an vào cuộc, khởi tố.

Xã hội lại qua những cơn hết rúng động, bức xúc đến thở ra, rồi lại hồi hộp theo dõi thông tin. Cha mẹ của 50 bé trong điểm giữ trẻ Ánh Sao Vàng lại hoang mang, biết gửi con ở đâu để đi làm, gửi ở đâu để con không bị hành hạ.

Bao hanh tre: Tai sao quy su lot vao noi can tinh yeu thuong? hinh anh 1
Bé gái bị đánh bầm mặt ở cơ sở mầm non Ánh Sao Vàng . Ảnh: Phụ Nữ TP.HCM.

Mới đôi ngày trước, trong vụ xét xử lưu động của Tòa án nhân dân quận 12 giữa khu phố đông đúc, các cô giáo và bảo mẫu của cơ sở mầm non Mầm Xanh cúi gằm mặt nhận hình phạt tù. Màn hình trực tiếp quay cận mặt các cô, một đứa trẻ quay đi, đứa trẻ khác lẩn trốn xuống gầm ghế.

Nếu từng bị ai đánh đòn, hay chỉ bị dọa đánh thôi, bạn sẽ rõ lắm cảm giác sợ hãi này của những đứa trẻ “thấy cô là muốn trốn”. Ai từng bị dao kề cổ, bị nắm đấm giơ trên đầu, sẽ hiểu nỗi sợ hãi bị uy hiếp còn lớn hơn cái chết. Tổn thương của con người vốn không chỉ được đong đếm qua hình hài vết sẹo, qua vệt bầm hằn bao ngón tay. Nó gây ám ảnh, làm nhiễu loạn tâm can trẻ.

Nghiên cứu khoa học đã cho thấy, người từng bị bạo hành thời thơ ấu rất khó có tâm lý bình thường khi lớn lên, vết thương tâm lý là vết thương vĩnh viễn không thể liền sẹo. Xem clip bạo hành trẻ ở cơ sở mầm non Mầm Xanh, xem hình ảnh đứa bé bị đánh bầm dập ở Ánh Sao Vàng, nghe tiếng chửi rủa học trò ở trường chuẩn quốc gia 30/4 (quận 1, TP.HCM) hay các clip nhấn đầu trẻ vào nước, tát tới tấp bắt ăn… người vô cảm tới mấy cũng phải thốt lên: Khủng khiếp quá, sao mấy cô giống quỷ chứ không giống người?

Tại sao lại để những con quỷ lọt vào nơi cần tình yêu thương nhất? Nơi mà ngoài tình thương để có thể nhẫn nại vô bờ bến, người ta cần kỹ năng để không nổi giận, mất kiềm chế? Làm sao để trẻ dù hư, dù lì tới mấy, cũng có thể bình tĩnh cùng trẻ giải quyết vấn đề, chứ không phải dùng sức mạnh áp chế, tạo nên cú bạt tai mà các đạo diễn phim võ lâm cũng rùng mình?

Tôi nhớ tới trường mầm non kế bên nhà. Nhà ống, chừng 4 phòng học, mỗi phòng khoảng 30 bé. Tiếng khóc lóc, la hét của trẻ, tiếng roi đập tành tạch lên bàn, tiếng chửi mắng ồn ào vọng qua nhà tôi suốt ngày. May ra chúng tôi được yên ổn ngày chủ nhật, khi các bé nghỉ. Hồi mới dọn tới làm hàng xóm, tôi thấy dăm ngày nửa tháng cô chủ cơ sở lại đem ra treo cái bảng tuyển giáo viên, bảo mẫu.

Sau này, cô mất kiên nhẫn vì lôi ra lôi vào, lấy băng keo đính ở đó luôn, không gỡ ra nữa. Tôi đùa cô: “Treo để đối phó với phòng giáo dục quận về việc thiếu giáo viên, bảo mẫu phải không?”.

Cô cười phân bua: “Cũng đúng một phần thôi, cơ bản là tuyển giáo viên và bảo mẫu khó quá. Ai tới cũng dăm bữa nửa tháng lại ra đi”.

Lương thấp, nghề áp lực, chưa được xã hội coi trọng và ngành giáo dục đầu tư đào tạo, dẫn tới tuyển vào làm việc, bất chấp tiêu chuẩn. Đấy là một nguồn cơn cho tiêu cực và bạo hành.

Chính tôi từng có ý định, nếu bị cơ quan sa thải, tôi có hai hướng kiếm tiền: Đi làm người giúp việc và làm bảo mẫu. Đây là hai nghề dễ kiếm việc làm. Không cần trình độ, kinh nghiệm. Có vô số cô bảo mẫu đang hành nghề chưa học hết phổ thông, chưa từng làm mẹ. Tiêu chí duy nhất giúp họ vào nghề là chịu làm công việc cực nhọc, tiền lương rẻ mạt này.

Thật tiếc cho các cô giáo trẻ trong những vụ bạo hành trẻ “nổi tiếng” trước đây. Đa số họ đều mới đi làm, cả cuộc đời dài rộng phía trước. Giờ thì họ, người còn bóc lịch trong tù, người đã được trả tự do. Nhưng sự tự do thật sự, đã mất theo cùng ước mơ nghề giáo năm nào. Một tiền án, sự kỳ thị của xã hội và những cơn ác mộng lương tâm đeo đuổi vào giấc ngủ.

Hôm qua, tôi gặp một phụ huynh ở cổng trường mầm non Bàu Cát. Chị nói xưa chị cũng dạy trường mầm non này. “Nổi điên à, bình thường thôi”, chị nói,

“Một đứa trẻ còn làm cha mẹ mất kiên nhẫn mà vung tay đánh đòn, nói gì mỗi lớp gần 50 bé”. “Nhưng bọn em có vài bí quyết. Lớp thường có hai tới ba cô. Khi thấy đồng nghiệp nóng nảy, cô “nguội” phải ngay lập tức đẩy cô “nóng” ra ngoài lớp hay qua chăm bé khác. Khi bình tĩnh mới được trở lại”, chị chia sẻ.

Năm con tôi học lớp lá trường mầm non Nhiêu Lộc (quận Tân Phú, TP.HCM), giáo viên chủ nhiệm tha thiết mời mỗi phụ huynh bỏ thời gian vàng ngọc tới ngồi dự giờ trong lớp một buổi. Mặc dù rất muốn biết các con làm gì một ngày dài, chẳng có mẹ nào trong chúng tôi trụ quá được một tiếng. Một cái chợ vỡ đinh tai nhức óc với vô số đổ vỡ, gây hấn, khóc lóc, tai nạn liên tiếp xảy ra. Nhìn các cô quay cuồng mà chúng tôi ám ảnh.

Tận khi ấy, chúng tôi mới không chỉ thương và hiểu các cô giáo mầm non hơn, mà còn dặn nhau phải biết khả năng nhẫn nại và kiềm chế của bản thân tới đâu, để chủ động chọn nghề, chứ đừng vì túng bấn mà làm bừa.

Mỗi người đều có một con quỷ ẩn náu trong mình. Nếu không đủ yêu thương, không học được cách kiềm chế con quỷ ấy, thì đừng làm bất cứ công việc gì cần sự kiên nhẫn. Nảy sinh điều ác và đi tù như chơi!