Mô hình giáo dục trải nghiệm tăng tương tác cho trẻ tiểu học
Cách học trải nghiệm giúp học sinh có cơ hội tìm hiểu thực tế, suy ngẫm, từ đó phân tích vấn đề, hiểu và nắm rõ hơn lý thuyết.
4 giai đoạn trải nghiệm của người học
Năm 1970, nhà tâm lý học người Mỹ David Kolb cùng với Roger Fry đã phát triển mô hình học tập qua trải nghiệm (Experiential Learning Model – ELM). Tư tưởng, lý thuyết giáo dục hiện đại này được xem là kim chỉ nam cho nền móng giáo dục thế kỷ 21, được xây dựng và phát triển bởi các nhà khoa học giáo dục hàng đầu thế giới như Lev Vygotsky, John Dewey, Kurt Lewin, Jean Piaget…
Mô hình ELM khái quát hóa chu kỳ học tập gồm 4 giai đoạn trải nghiệm cụ thể; quan sát và suy ngẫm; hình thành khái niệm và khái quát hóa (xây dựng lý thuyết); kiểm chứng trong những tình huống mới. Chính những kinh nghiệm, trải nghiệm là nền tảng để phát triển kiến thức và phân tích tư duy.
Diễn giải về mô hình này, ông Trương Minh Châu, Giám đốc Đào tạo chương trình học tiếng Anh qua Toán và Khoa học iSMART cho biết, khi bắt đầu học, chúng ta có xu hướng bắt tay vào làm ngay hay quan sát người khác, học lý thuyết trước. Câu trả lời tùy vào môn học gì và bản thân người học phù hợp với phương pháp nào. Ví dụ khi tập đạp xe, có người nhảy lên xe trước, thay vì đắn đo quá nhiều. Một số khác lại có khuynh hướng tìm tòi các nguyên lý chuyển động của chiếc xe trước khi leo lên. Do đó, không thể áp dụng cứng nhắc một cách học lên 30 học sinh trong lớp. Để học đến nơi đến chốn, cần trải qua trọn vẹn 4 chu kỳ trên.
Học trải nghiệm là quá trình diễn ra tự nhiên nhưng đòi hỏi nỗ lực của bản thân và sự tương tác với môi trường. Người học phải sẵn sàng tham gia vào trải nghiệm thực tế, suy ngẫm về trải nghiệm (của mình và người khác), để từ đó phân tích vấn đề, khái quát hóa, hiểu và hình thành lý thuyết. Cuối cùng, từ những ý tưởng rút ra qua trải nghiệm, người học tìm cách áp dụng vào thực tế.
Ông Châu chia sẻ thêm, đơn cử như trong lớp học trải nghiệm tiếng Anh qua Toán và Khoa học iSMART, chương trình đào tạo định hướng các hoạt động để học sinh trải nghiệm cụ thể trong lớp học. Thầy cô giúp các em khám phá những mô hình, lý thuyết đã được khoa học kiểm chứng, khuyến khích áp dụng vào thực tế nhờ vào các công cụ đa dạng như công nghệ, trí tuệ nhân tạo, robot, chiếu phim khoa học tiếng Anh, thí nghiệm khoa học, dự án nhóm…
Lớp học tiếng Anh theo mô hình trải nghiệm tại trường Tiểu học Âu Cơ (quận 11, TP HCM). |
Bốn mô hình lớp học Việt
Giáo dục Việt Nam trải qua không ít lần cải cách, đổi mới, theo ông Châu, có thể khái quát 4 mô hình lớp học nổi bật gồm lớp học truyền thống, lớp học định hướng, lớp học khai phóng và lớp học hiện đại. Lớp học truyền thống chú trọng truyền thụ hệ thống tri thức theo các lĩnh vực và môn học cho học sinh. Do quan tâm đầu vào nội dung dạy học, mô hình này chưa chú trọng toàn vẹn chủ thể người học cũng như khả năng ứng dụng vào thực tế của kiến thức.
Ông Châu cho biết thêm, lớp học định hướng là mô hình trường học của đề án đổi mới căn bản toàn diện, triển khai từ chương trình giáo dục sau năm 2018. Bản chất là giáo dục định hướng kết quả đầu ra, tiếp cận năng lực nhằm phát triển phẩm chất người học.
Lớp học khai phóng theo mô hình trường học mới (VNEN) phát triển dựa trên quan điểm giáo dục định hướng năng lực người học, coi trọng việc lấy học sinh làm trung tâm, thể hiện xu thế giáo dục hiện đại trên thế giới.
Lớp học hiện đại như lớp học iSMART có xu hướng vận dụng 4 sự chuyển đổi mang tính chiến lược: dịch chuyển từ tiếp cận giáo dục theo đầu vào sang mục tiêu đầu ra; chuyển mô hình giảng dạy sang mô hình học tập; đánh giá kết quả sang đánh giá quá trình; nội dung chuyên sâu, rời rạc sang nội dung tích hợp, tăng cường tổ chức học tập tự chọn và hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Nhiều hoạt động trải nghiệm như xem phim khoa học, dự án Toán, Khoa học, giao lưu tương tác với robot NAO, sử dụng bài giảng số… đã xoay chuyển cục diện lớp học, mang đến trải nghiệm hiệu quả về tri thức và kỹ năng cho người học.
Kim Uyên