Cách xử lý học trò phạm lỗi của trường quốc tế

Cách xử lý học trò phạm lỗi của trường quốc tế

Mỗi trường quốc tế đều có giám thị, học trò không học bài, hỗn láo thì giám thị (thường là chuyên gia tâm lý) mời ra phòng riêng nói chuyện.

Độc giả Hiệp Cường chia sẻ góc nhìn về dự thảo nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, nhất là quy định xử phạt giáo viên và học sinh.

Tôi làm giáo dục 10 năm, thấy rằng không cần phạt tiền giáo viên hay học sinh làm gì vì thầy cô có thể không có tiền và ranh giới phân định thế nào là xúc phạm danh dự hay không còn mong manh. Tôi thấy cách các trường quốc tế làm rất hay, mình có thể tham khảo.

Mỗi trường quốc tế đều có giám thị. Học trò không ngoan, không học bài, hỗn láo, gây mất trật tự trong lớp thì giám thị mời ra phòng riêng nói chuyện (thường thầy giám thị là chuyên gia tâm lý). Thầy có nhiệm vụ tìm ra nguyên nhân vì sao trẻ thích làm những điều như vậy.

Thầy giám thị có quyền yêu cầu học sinh làm bản kiểm điểm nhiều lần đến khi thấy thật sự biết mình sai. Nếu trẻ không biết sai vẫn cố thể hiện thì giám thị mời phụ huynh. Nếu phụ huynh bận không lên được thì hôm sau phải đưa con đến trường (còn không đưa đến trường thì trẻ lên phòng giám thị ngồi tiếp).

Khi phụ huynh lên, trẻ sẽ được ngồi làm bản kiểm điểm cùng sự hướng dẫn của phụ huynh. Trẻ được quyền nói lên vì sao hỗn láo với giáo viên hay vì sao chỉ thích gây ồn ào mà không thích học. Trẻ sẽ ghi tất cả bỏ vào hộp thư góp ý gửi Ban giám hiệu nếu thấy giáo viên sai. Sau khi trao đổi trực tiếp với giáo viên, trẻ có quyền được yêu cầu đổi lớp nếu chính đáng và hợp lý.

Ảnh: forwardtimes

Ảnh: forwardtimes

Phụ huynh được quyền chọn trường khác nếu cho rằng con mình có quyền hỗn láo hay không cần theo quy chuẩn của trường. Sau đó trường phê vào học bạ (để qua trường khác trẻ được chăm sóc tốt hơn). Với cách này, thầy cô không cần đánh trẻ, vì nếu cho phép đánh dễ bị lạm quyền và mất kiểm soát trong lúc đánh, gây hậu quả nghiêm trọng.

Học sinh cá biệt luôn có lý do, người làm giáo dục nên kiên nhẫn tìm hiểu và phối hợp với gia đình để dạy trẻ tốt hơn. Trẻ sẽ có nhiều cơ hội để biết mình sai và cần làm những điều đúng hơn khi được nhà trường và phụ huynh hỗ trợ. Trong một số trường hợp trẻ cá biệt do gia đình quá cá biệt hoặc muốn trẻ phát triển theo thiên hướng cá biệt thì phụ huynh phải chịu khó đi tìm một ngôi trường khác phù hợp hơn (ví dụ trường giáo dưỡng).

Vấn đề học sinh đánh hoặc lăng mạ giáo viên theo tôi tất cả đều có nguyên nhân. Nếu giáo viên không đánh và lăng mạ học sinh trước mà tự nhiên học sinh làm vậy thì thật khó hiểu. Nên phê tất cả vào học bạ của học sinh (để trường khác có nhận vào thì tiện bề quan tâm). Giáo viên cũng nên có cái lịch sử như học bạ khi đi dạy để khi làm sai cũng có cái để trường khác biết. Như vậy không cần phạt tiền làm gì, mình làm sai gì thì xã hội sẽ biết và phán xét.

Khi số lượng học sinh bị đào thải quá nhiều, tự động sẽ có những trường dân lập chuyên đào tạo học sinh cá biệt ra đời, như trường giáo dưỡng vậy. Sau trường giáo dưỡng thì có thể đi tiếp quân đội, như vậy ít nhiều trẻ em nguy hiểm cũng bị hạn chế (tôi có lòng tin là hư cỡ nào vào quân đội cũng được rèn).

Giáo dục là quá trình trồng người gian khó hơn trồng cây rất nhiều, đã làm thì phải kiên nhẫn và có tư duy. Học sinh có trăm nghìn kiểu, nhưng chung quy cũng do hoàn cảnh và môi trường sống mà ra. Con mình tạo ra thì phụ huynh cũng nên có trách nhiệm với cuộc đời của con. Kiên nhẫn phối hợp với nhau sẽ tạo ra con người tốt, đừng chia thành hai chiến tuyến giữa giáo viên và phụ huynh.

Còn nếu một trong hai nói “tôi không có thời gian” hay “tôi không thể kiên nhẫn” thì nên xem lại mình có phù hợp với giáo dục và xã hội không? Rồi con em mình sẽ đi theo con đường không kiên nhẫn, không có thời gian quan tâm đó. Phụ huynh có trách nhiệm đến khi trẻ 18 tuổi (nếu không có tiền phạt thì phê vào học bạ). Sau 18 tuổi trẻ có quyền tự quyết.

Tôi biết một số ngành nghề hoặc công ty lớn khi tuyển nhân viên có yêu cầu học bạ.

Hiệp Cường