Những nhầm lẫn trong tiếng Việt

Những nhầm lẫn trong tiếng Việt

Nhiều người học thuộc và đánh vần theo chữ nhưng lại dùng lẫn lộn giữa tên chữ và âm chữ dẫn đến sai về ngôn ngữ.

Sau bài ‘Vì sao tôi ủng hộ phương pháp đánh vần của GS Hồ Ngọc Đại’, anh Nhữ Hoạt tiếp tục phân tích vì sao nhiều người tranh cãi về cách phát âm.

Nhầm lẫn về vần

Đọc bình luận của mọi người, tôi thấy khá nhiều bạn thắc mắc về vần. Có một lỗi rất lớn mà tôi nghĩ do cách học cũ chỉ tập trung hoàn toàn vào việc học chữ, xác định vần theo chữ, chứ không phải theo tiếng. Có khá nhiều bạn đã bình luận vào bài trước là chữ qua có vần a hoặc ua, chữ quang có vần ang

Các bạn chú ý là vần phải theo tiếng, không phải theo chữ. Vần vốn có trong mọi ngôn ngữ, chúng ta ngày xưa có chữ Nôm cũng đã gieo vần làm thơ, nhiều người không biết chữ cũng vẫn làm thơ được, bởi họ tự nhận thấy được vần trong tiếng sẽ tạo ra được nhịp điệu khi nói.

Có rất nhiều bạn bình luận không đồng ý chữ qua có vần oa cùng với hoa, loa. Để xác định vần không khó, các bạn đọc to các cặp sau sẽ xác định được: a – ha – qua oa – hoa – qua ua – hua – qua. Các bạn đọc lần lượt 3 nhóm từ này và tự cảm nhận xem tiếng qua phải có vần a, ua hay oa.

Nếu xác định nó là vần oa hãy tự hỏi hoặc đi tìm hiểu tại sao khi ghi thành chữ lại bị mất chữ o, bởi nếu chữ qu là một âm độc lập (quờ) như trước ta vẫn coi theo cách học cũ thì vẫn có thể viết là quờ oa quoa để nó có vần oa mà, vậy tại sao lại mất o? Các bạn có thể kiểm tra tương tự với các từ: quan, quang, que...

Không phân biệt chữ cái và âm

Rất nhiều bạn cũng không phân biệt được chữ cái và âm. Thậm chí còn nhiều bạn coi a bê xê là gọi theo tiếng Pháp, a bờ cờ mới là gọi theo tiếng Việt. Nếu các bạn để ý thì chúng ta có hai bảng chữ cái. Một bảng chỉ gồm các chữ cái đơn gồm 29 chữ cái: a ă â b c d đ e ê g h i k l m n o ô ơ p q r s t u ư v x y.

Bảng 29 chữ này mới là bảng chữ cái, khi đọc thì phát âm theo tên của chữ cái là: a á ớ bê xê dê đê… Dẫu có theo tiếng Pháp thật thì cũng chính thức là tên các chữ cái ở Việt Nam, không phải ngẫu nhiên các từ viết tắt VTV, HIV… đều được phát âm theo tên các chữ cái này. Một bảng khác có thêm các âm được ghép bởi nhiều chữ cái như: ch, tr, kh, ph, gh, ng, ngh… Bảng có thêm các âm ghép là bảng phiên âm, khi đọc thì phát âm theo âm: a á ớ bờ cờ dờ đờ…

Nhiều bạn còn chưa hiểu được điều này, dẫn đến nhầm lẫn khó tin là nghĩ c, k cùng là âm cờ thì ch và kh sẽ giống nhau. Âm chờ là một âm độc lập được ký tự là ch, không phải được tạo thành bởi âm cờ và âm hờ. Chữ cái là vật ảo thay thế cho âm là ở chỗ này.

Những nhầm lẫn trong tiếng Việt

Đúng và sai trong phát âm

Vì cách học theo chữ, phát âm phải theo chữ nên chúng ta đã vô tình coi một chữ chỉ có một cách phát âm. Trong ngôn ngữ thì một chữ có nhiều cách phát âm là bình thường, và đó chính là phương ngữ chứ không phải chỉ các từ địa phương mới là phương ngữ. Ví dụ chữ r, nhiều nơi miền Bắc đọc không có âm rung, nhiều nơi khác đọc có âm rung và các bạn cho rằng miền Bắc đọc sai? Không có đúng và sai trong cách phát âm, người Bắc đã phát âm tiếng “rộn ràng” như là “dộn dàng” từ cả nghìn năm, trước cả khi có chữ quốc ngữ. Vậy thì làm sao lấy cái được sáng tạo ra sau để bảo cái có trước là sai?

Ở đây chỉ là sự khác biệt giữa các địa phương và nó là phương ngữ (ngoại trừ nhầm n, l là sai chính tả vì bị dùng lẫn lộn). Chúng ta hiểu được sự khác nhau về cách phát âm này sẽ càng tôn trọng phương ngữ hơn. Các từ điển chỉ chỉnh lý cho thống nhất về cách viết và ngữ nghĩa, không thống nhất được về cách phát âm. Nhưng để dạy cho người nước ngoài thì giới học thuật buộc phải chọn một cách phát âm làm chuẩn. Và nếu khác với chuẩn thì là phương ngữ, không phải là sai. Đó cũng là lý do vì sao toàn bộ Việt Nam hiện không có nơi nào nói đúng hoàn toàn theo chuẩn nhưng chúng ta vẫn có thể giao tiếp bình thường.

Tiếng Anh cũng vậy, các bạn cứ nói “nói tiếng Anh như người bản xứ”, vậy bản xứ là tiếng Anh ở London, ở Manchester, hay ở Washington D.C. Hay các bạn cho rằng tiếng Anh ở tất cả những nơi đó giống nhau? Ví như chúng ta vẫn dùng chữ Nôm, thì lấy đâu ra chữ và d để tranh cãi là nó phát âm đúng hay sai?

Phương pháp học tiếng Việt theo Công nghệ giáo dục là thay đổi tiếng Việt?

Kỳ lạ nhất là ở điểm này, mọi người không chú ý vào phương pháp mà chú ý vào nội dung bị thay đổi. Những tri thức về tiếng Việt trong sách Công nghệ giáo dục là các công trình được nghiên cứu bởi rất nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ và được trong giới thừa nhận, không phải do một người nghiên cứu ra.

Không phải trước kia c, q, k là cờquy (cu), ca thì bây giờ nó lại là cờ do phương pháp của giáo sư Hồ Ngọc Đại mà do các công trình về ngôn ngữ đã chứng minh như thế. Các bạn tìm sách tiếng Việt của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xem c, k, q cũng vẫn là âm /k/-cờ. Hiện giờ học theo cách nào, dù ở tiểu học hay đại học thì c, k, q cũng là âm /k/-cờ. Trước kia nó cũng là âm cờ, được ký tự bằng chữ ca, quy.

Chúng ta học thuộc và đánh vần theo chữ nhưng lại dùng lẫn lộn giữa tên chữ và âm chữ dẫn đến sai về ngôn ngữ như bây giờ. Cách học của thầy Đại chỉ khác là cách trước thì bị ép nhớ thụ động, còn thầy hướng dẫn học sinh tự nghiên cứu để biết được vì sao lại như thế. Các bạn hãy nghĩ tới một đứa trẻ đi học được tự mình khám phá ra tri thức, khác với một đứa trẻ đi học bị ép phải tiếp nhận tri thức không hiểu vì sao dù thấy thắc mắc.

Học theo phương pháp khám phá này, nếu trẻ gặp một cái mới sẽ tự hỏi mình trước là có đúng hay không? Tại sao trước mình được học như thế kia mà bây giờ lại được nói thành khác? Nó đúng hay cái mình đã biết là đúng? Và việc trẻ có tư duy độc lập mới là cái có lợi nhất của phương pháp này. Chúng ta cũng nên vậy, gặp một vấn đề mới khác cái mình đã biết thì hãy đi tìm hiểu thật kỹ để xác định “cái nào mới là đúng?” thay vì mặc định cái mình biết là đúng.

Cuối tháng 8, video cô giáo hướng dẫn cách phát âm chữ cái c/k/q đều đọc là /cờ/ gây xôn xao dư luận vì khác phương pháp được dạy đại trà cho học sinh. Cách đánh vần đó là theo sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên và Bộ Giáo dục cho phát hành.

Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định cuốn Tiếng Việt Công nghệ giáo dục – PGS Bùi Mạnh Hùng cho biết, tài liệu gây tranh cãi, tuy nhiên thực tế cho thấy phương pháp dạy đánh vần trong đó đã giúp học sinh phát triển khá hiệu quả kỹ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả. Đến nay gần 50 tỉnh, thành phố với khoảng 800.000 học sinh lớp 1 (chiếm gần một nửa số học sinh lớp 1) đang dùng cuốn sách này.

GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ sách được xây dựng trên nguyên tắc “muốn học cái gì thì phải tự tay làm cái đấy”. Khi áp dụng, học sinh sẽ là người làm việc, còn giáo viên chỉ giao nhiệm vụ và quan sát, hướng dẫn phương pháp. Ông tự tin sách tồn tại vĩnh viễn, nền giáo dục mình xây dựng là đúng đắn vì có nền tảng lý thuyết là triết học, tâm lý học, có công nghệ giáo dục hỗ trợ.

Nhữ Hoạt