Bốn giá trị trẻ nên được dạy từ khi học mầm non

Bốn giá trị trẻ nên được dạy từ khi học mầm non

Nhiều phụ huynh nghĩ là quá sớm để dạy trẻ mẫu giáo những giá trị sống như trung thực hay sự công bằng. Đó là quan niệm sai lầm.

Tạp chí Parents chỉ ra những giá trị cơ bản mà tất cả trẻ em nên phát triển khi 5 tuổi.

1. Trung thực

Cách tốt nhất để khuyến khích sự trung thực ở trẻ là bạn phải trở thành người trung thực. Hãy xem xét câu chuyện sau:

Carol quyết định hạn chế cho con trai 3 tuổi Chris chơi với người bạn tên Paul bởi gần đây chúng đã tranh đấu rất nhiều. Vì vậy, khi mẹ của Paul gọi điện để sắp xếp cho hai đứa chơi chung, Carol đã nói rằng con trai mình bị ốm.

Nghe được cuộc nói chuyện điện thoại, Chris chạy tới hỏi mẹ “Con có bị ốm không? Có chuyện gì xảy ra với con vậy”? Carol ngạc nhiên khi nhìn thấy nỗi sợ hãi của con trai mình và nói với con rằng mẹ chỉ nói con ốm vì không muốn làm mẹ của Paul buồn. Sau đó, Carol đưa ra một lời giải thích phức tạp về sự khác biệt giữa những loại dối trá. Chris tỏ ra bối rối nhưng em có thể hiểu được rằng việc nói dối đôi khi không sao và thực tế mọi người đều làm điều đó.

Ảnh: Huffpost

Ảnh: Huffpost

Bạn nghĩ sao về trường hợp này? Con rất dễ bắt chước người lớn. Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải tránh nói dối, kể cả đó là sự lừa dối vô hại. Hãy để con thấy bạn là người trung thực. Bà mẹ Carol trong trường hợp trên có thể nói với mẹ Paul: “Hai đứa không nên chơi chung hôm nay. Tôi lo ngại việc chúng đã tranh đấu quá nhiều vào tuần trước. Tôi nghĩ chúng cần nghỉ ngơi”.

Bên cạnh việc trở thành người trung thực, bạn cũng đừng phản ứng quá mức nếu con nói dối. Thay vào đó, hãy giúp trẻ tìm cách nói sự thật vì con sẽ luôn cảm thấy tốt hơn sau khi mọi thứ được nói ra.

2. Sự công bằng

Tại một buổi họp mặt gia đình, anh em họ Amy và Marcus (4 tuổi) làm hai lâu đài bằng những khối gỗ. Đột nhiên, Amy xô đổ lâu đài của Marcus và khóc. Chứng kiến cảnh này, cha của Amy đã ra lệnh cho con gái phải xin lỗi và cô bé ngậm ngùi làm theo.

Sau đó, bố đưa Amy sang một bên và hỏi “Tại sao con lại xô đổ lâu đài của Marcus”? Cô bé nói rằng đã phát điên khi lâu đài của Marcus lớn hơn của cô. Người cha đã giải thích để con gái hiểu đó không phải lý do để con có hành động không đúng như vậy.

Phản ứng của người cha này là muốn hiểu tại sao con hành động như vậy cũng như muốn con khắc phục sai lầm bằng việc nói lời xin lỗi. Đó là cách làm đúng. Cha mẹ cần khuyến khích con thực hiện một số hành động để sửa sai. Ví dụ cha của Amy có thể gợi ý để cô bé giúp Marcus xây lại lâu đài hoặc mang cho anh một ít bánh kẹo như một cử chỉ xin lỗi.

Nếu bạn biết rằng con đã hành động sai với một người nào đó, hãy giúp chúng nghĩ ra cách bù đắp. Bằng cách khuyến khích con thực hiện những cử chỉ như vậy, bạn đang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối xử công bằng với mọi người – một giá trị thiết yếu mà con rất cần để phát triển những mối quan hệ và công việc về sau.

3. Sự quyết tâm

Jack (5 tuổi) đã cho mẹ xem một bản vẽ mà cậu bé vẽ bằng bút chì màu mới. “Bức tranh rất tươi sáng và đầy màu sắc. Giỏi lắm con trai”, bà mẹ nói. Đứa trẻ sau đó chạy về phòng và lại lao ra với một bản vẽ khác để được nghe những lời khen từ mẹ. Mẹ của Jack luôn nói bản vẽ sau đẹp hơn bản trước nhưng thực tế những bản vẽ sau Jack không làm cẩn thận như bức đầu.

Sự quyết tâm là một giá trị mà bạn có thể khuyến khích con từ khi còn rất nhỏ. Cách dễ nhất để làm việc này là tránh những lời khen quá mức và cung cấp cho trẻ những phản hồi trung thực.

Một cách khác để giúp trẻ phát triển sự quyết tâm là khuyến khích chúng làm những việc không dễ dàng. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chúc mừng con khi chúng vượt qua những công việc khó khăn đó. Đứa trẻ được nghe những câu như “Con đã làm tốt. Mẹ biết nó thực sự khó”, sẽ cảm thấy được công nhận và trở nên quyết tâm, cố gắng hơn.

4. Tình yêu thương

Phụ huynh có xu hướng nghĩ rằng trẻ em luôn biết yêu thương người khác một cách tự nhiên. Điều này đúng nhưng để tình yêu thương ngày càng rộng lớn, họ cần phải được đáp lại.

Các thành viên trong gia đình cần thể hiện tình yêu thương với nhau. Ảnh: Popsugar

Các thành viên trong gia đình cần thể hiện tình yêu thương với nhau. Ảnh: Popsugar

Hãy cho con thấy bạn thể hiện tình cảm của mình với những người trong cuộc sống. Hãy ôm và hôn chồng (vợ) bạn khi có con ở cạnh. Nói chuyện với con về những người bạn yêu mến, kể nhiều về ông bà, chú bác, anh em họ…

Và tất nhiên, đừng để một ngày trôi qua mà không thể hiện tình cảm với con mình. Hãy thể hiện tình yêu của bạn theo những cách bất ngờ như để lại một ghi chú trong hộp cơm trưa của con; vẽ một trái tim lên gương phòng tắm để chúng thấy khi đánh răng; ôm con mà không cần lý do gì cả. Đừng để công việc cuốn bay những cử chỉ yêu thương đó.

Bạn càng nói nhiều câu “Mẹ yêu con”, trẻ sẽ càng muốn nói “Con yêu mẹ” với bạn. Càng nhiều cái ôm, nụ hôn mà bạn gửi đến những thành viên trong gia đình, ngôi nhà của bạn càng tràn ngập tình yêu thương. Và khi trẻ em cảm thấy tự do trong việc thể hiện tình yêu của chúng với bố mẹ, bạn đã giúp con thấm nhuần giá trị lớn nhất về tình yêu thương.

Dương Tâm