Cả nước chỉ có 23 đại học công lập tự lo 100% kinh phí
Câu chuyện tự chủ đại học đang đặt nặng về tài chính mà chưa chú trọng tới tổ chức, quản trị, hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ…
Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng vừa giám sát việc thực hiện Luật giáo dục đại học ở 16 cơ sở giáo dục đại học tại 7 tỉnh, thành phố, trong đó có giám sát về việc thực hiện quyền tự chủ. Ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban, có cuộc trao đổi với VnExpress về vấn đề này.
– Ông đánh giá thế nào việc thực hiện quyền tự chủ đại học của các trường?
– Theo Luật giáo dục đại học, tự chủ đại học rất toàn diện, bao gồm tự chủ về tổ chức bộ máy – nhân sự, tài sản – tài chính và chuyên môn học thuật. Các cơ sở giáo dục đại học đã chủ động hơn trong việc này và quyền tự chủ đã mang đến những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, việc thực hiện quyền tự chủ đại học vẫn còn một số hạn chế, trong đó có sự chưa thống nhất trong quan niệm. Về phía cơ quan nhà nước, tự chủ đại học hiện được tiếp cận từ góc độ tài chính, chủ yếu là mức độ tự bảo đảm kinh phí hoạt động mà chưa chú trọng tới tổ chức, nhân sự, quản trị, tiềm lực và kinh nghiệm về hoạt động đào tạo, khoa học, công nghệ cũng như các điều kiện khác.
Trong khi đó, các trường cho rằng tự chủ là bản chất, là thuộc tính và là quyền đương nhiên được hưởng mà không thấy rằng việc thực hiện tự chủ phụ thuộc vào năng lực thực hiện của đơn vị đáp ứng các tiêu chí định trước về chi phí và kết quả hoạt động.
Nhìn chung, câu chuyện tự chủ đang đặt nặng tự chủ về tài chính.
Ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng. Ảnh: Dương Tâm |
– Tại sao bây giờ mới có 23 trường công lập được thí điểm giao quyền tự chủ cao?
– 23 cơ sở giáo dục đại học công lập được Chính phủ cho thí điểm tự chủ đều là những trường có thể tự lo 100% kinh phí, từ chi thường xuyên đến đầu tư phát triển. Và tôi cho rằng việc các trường lo được toàn bộ kinh phí mới được thí điểm giao quyền tự chủ cao là chưa hoàn toàn phù hợp.
Thực tế cho thấy những trường tự lo được kinh phí hiện nay chủ yếu là giảng dạy các ngành kinh tế, xã hội, nhân văn, kỹ thuật, công nghệ. Hầu hết trường trong số đó không phải đầu tư máy móc, phòng thí nghiệm nhiều và có nhiều ngành đào tạo có nhu cầu xã hội cao.
Ngược lại, nhu cầu đối với ngành thuộc trường khối sư phạm hay khoa học cơ bản không cao, xã hội không thực sự mặn mà trong khi rõ ràng nhà nước, nền kinh tế xã hội lại cần. Vì vậy nếu đặt nặng vấn đề kinh phí, những trường này khó có thể tự chủ cao được.
Tuy nhiên, các trường cũng cần thoát khỏi tư duy bao cấp, trông chờ quá nhiều vào ngân sách nhà nước để hướng tới sự phát triển, tránh làm mất đi tính năng động, chủ động, tự chủ. Hiện tại, ngoài 23 trường tự chủ hoàn toàn về tài chính, nhà nước, các bộ ngành, địa phương vẫn cấp kinh phí cho các trường công lập theo số lượng sinh viên.
Tôi cho rằng cần đổi mới cơ chế đầu tư. Nhà nước phải ra nhiệm vụ “đặt hàng” hoặc thậm chí các trường phải đấu thầu với nhà nước, nhận nhiệm vụ nào để có được kinh phí; thậm chí ngay trong một trường, những ngành có nhu cầu xã hội cao sẽ không được nhận kinh phí.
– Theo quy định, đại học được tự chủ về tuyển sinh, nhưng thực tế hầu hết trường phụ thuộc vào kết quả thi THPT quốc gia. Qua giám sát, ông ghi nhận lý do gì dẫn tới điều này?
– Tôi không nghĩ tuyển sinh dựa theo kết quả thi THPT quốc gia là không tự chủ. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường được phép có phương án tuyển sinh riêng, lập đề án để Bộ phê duyệt và tiến hành tổ chức. Thế nhưng chỉ có một số ít trường yêu cầu đào tạo về năng khiếu mới có thêm xét tuyển và đánh giá riêng, còn lại hầu hết dựa trên kết quả thi THPT quốc gia. Đó là do trường lựa chọn, là biểu hiện của quyền tự chủ vì họ đã chọn giải pháp tối ưu nhất.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các trường tuyển sinh dựa vào kết quả thi THPT quốc gia. Thứ nhất, những năm trường tổ chức tuyển sinh đại học riêng thì hầu hết đều kêu lỗ, vì lệ phí tuyển sinh được phép thu không đủ lấy thu bù chi. Như vậy, xét tuyển trên kết quả thi THPT quốc gia là phương án tối ưu về kinh tế.
Thứ hai, kết quả thi THPT quốc gia là chắc chắn, an toàn cho các trường vì đây là kỳ thi quốc gia do Bộ Giáo dục tổ chức, một kỳ thi trên nguyên tắc phải rất nghiêm túc, chính xác, khách quan và công bằng.
Thứ ba, việc tổ chức một kỳ thi đánh giá năng lực về kiến thức phổ thông không phải dễ thực hiện với tất cả trường vì không phải trường nào cũng có đội ngũ giáo viên cơ bản để ra đề và chấm thi.
Như vậy, các trường tuyển sinh dựa trên kỳ thi THPT quốc gia là thuận tiện về nhiều phương diện. Bộ Giáo dục không bắt buộc phải theo hình thức nào thì đương nhiên các trường sẽ chọn tuyển sinh theo cách này dù xét về mặt chất lượng sự phù hợp của thí sinh thì chắc không được tốt bằng việc có phương án tuyển sinh riêng.
– Vậy cách tuyển sinh nào là tốt nhất?
– Như tôi nói ở trên, cách tuyển sinh dựa theo kết quả thi THPT quốc gia là tối ưu về nhiều phương diện, nhưng sẽ không tuyển được thí sinh phù hợp nhất, chất lượng nhất với các ngành nghề, trường đào tạo. Vì vậy, nếu cứ mãi chọn theo phương án này, tôi cho là cũng không tốt.
Về mặt chuyên môn, nếu tổ chức được một kỳ thi riêng, các trường sẽ vừa thể hiện quyền tự chủ của mình, vừa lựa chọn được những thí sinh tốt nhất, đáp ứng nhu cầu cao nhất của trường về mặt đào tạo. Đầu vào tốt thì đương nhiên đó là điều kiện cần để có đầu ra tốt.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các trường lựa chọn phương án tuyển sinh theo kết quả thi THPT quốc gia là rất bình thường vì nó đơn giản, an toàn và hiệu quả nhất. Khi tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, ngoài khó khăn về kinh tế, khâu tổ chức, các trường phải chịu áp lực lớn vì dư luận xã hội rất quan tâm. Bất kỳ một sơ suất nào cũng ảnh hưởng rất lớn đến nhà trường.
– Nhiều nhà giáo dục cho rằng cơ chế tự chủ đại học làm số lượng trường gia tăng mạnh. Để đảm bảo tồn tại, các trường tuyển sinh bằng mọi giá dẫn đến chất lượng đầu vào thấp. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?
– Có thời điểm chúng ta tính việc phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học theo cách tính số sinh viên trên 10.000 dân. Theo chỉ tiêu đó, số sinh viên và số trường của Việt Nam chưa phải quá nhiều so với khu vực.
Tuy nhiên so với thực tế, có thể thấy dường như số lượng gần 250 đại học của Việt Nam là nhiều dẫn đến hệ lụy nguồn tuyển đầu vào bị hạn chế. Rõ ràng để đảm bảo điều kiện tồn tại, một số trường đã phải lấy điểm tuyển sinh thấp khiến chất lượng thí sinh không cao, làm ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra.
Giáo dục đại học khác các bậc khác là phải sáng tạo ra tri thức mới cho xã hội thông qua con đường nghiên cứu khoa học. Nếu say sưa vào việc có số lượng sinh viên tối đa để thu được học phí nhiều, các trường sẽ bị chi phối về thời gian, nguồn lực; từ đó bị hạn chế nghiên cứu khoa học vì nghiên cứu cần sự đầu tư rất lớn về tài chính, con người và thời gian.
– Vậy để các đại học vừa tự chủ, vừa có tên trên bảng xếp hạng quốc tế, các đại học Việt Nam phải làm gì?
– Rõ ràng các bảng xếp hạng đại học quốc tế uy tín rất chú trọng công bố quốc tế, các lượt trích dẫn… Đó là kết quả của những nghiên cứu khoa học được công nhận. Như vậy, các trường muốn có mặt trong các bảng xếp hạng thì buộc phải thay đổi định hướng hoạt động của mình, không chỉ chú trọng vào việc dạy mà còn phải quan tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
Khi lọt vào một bảng xếp hạng thì thương hiệu, uy tín nhà trường sẽ tăng lên, cơ hội hợp tác quốc tế cũng nhiều hơn. Việc tham gia các bảng xếp hạng đại học thế giới là xu thế và các trường được khuyến khích để làm việc đó. Các trường phải đối chiếu với hệ thống tiêu chí của các bảng xếp hạng để bổ sung cái còn thiếu.
Vào ngày 17/8 tới, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng tổ chức Hội thảo Giáo dục 2018 với chủ đề “Giáo dục đại học – Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế”. Chúng tôi mong muốn có thể nhận diện được thực trạng giáo dục đại học Việt Nam, từ đó có đề xuất, định hướng, những giải pháp cơ bản để tạo điều kiện cho giáo dục phát triển, đồng thời có những góp ý vào việc sửa đổi Luật giáo dục đại học.