Ngắm nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21 ở đâu?
Người dân các tỉnh Thừa Thiên – Huế đến Nam Bộ, đặc biệt là khu vực ven biển Trung Bộ và Nam Bộ, có thời tiết thuận lợi để xem nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21.
Rạng sáng 28/7, người dân Việt Nam cùng nhiều nơi trên thế giới sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn thú vị, nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21.
Hiện tượng bắt đầu vào khoảng 0h14, khi đó mặt trăng đi vào vùng bóng nửa tối và kết thúc vào khoảng 6h30 sáng 28/7. Thời gian diễn ra nguyệt thực toàn phần trong khoảng 3h21 đến 4h13 (gần một giờ).
Hiện tượng nguyệt thực toàn phần lần này dài nhất thế kỷ 21. Ảnh: Getty. |
Ðến 4h13, nguyệt thực toàn phần kết thúc, chuyển sang nguyệt thực một phần, nguyệt thực nửa tối rồi kết thúc hoàn toàn vào khoảng 6h30.
Cùng lúc, mưa sao băng Delta Aquarids với cực điểm vào ngày 28-29/7 cũng sẽ là một hiện tượng thú vị. Một số sao băng đầu tiên của Perseids, mưa sao băng lớn nhất hàng năm, xuất hiện.
Để theo dõi hiện tượng này, nơi quan sát cần thoáng đãng, bầu trời trong, không mây và không mưa.
Tuy nhiên, chuyên gia dự báo thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương lấy làm đáng tiếc, khi điều kiện thời tiết nhiều nơi trên cả nước không thuận lợi để chứng kiến 2 hiện tượng thiên văn thú vị này.
Cụ thể, vào đêm 27 và rạng sáng 28/7, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nhiều khả năng có mưa vừa đến mưa to. Trời sẽ rất âm u và không thể quan sát được mặt trăng trong thời điểm 0-6h30.
Các tỉnh Thừa Thiên – Huế đến Nam Bộ, đặc biệt là khu vực ven biển Trung Bộ và Nam Bộ, trời ít mây, không mưa, thời tiết mát mẻ. Nhiệt độ khoảng 25-28 độ C. Đây được cho là khu vực lý tưởng để quan sát hiện tượng nguyệt thực toàn phần cùng mưa sao băng lớn nhất trong năm.
Sắp tới, người dân Việt nam có cơ hội chiêm ngưỡng đợt mưa sao băng lớn nhất trong năm. Ảnh: NASA.
|
Nguyệt thực là hiện tượng mặt trăng tối hơn và có màu đỏ thẫm khi đi vào vùng tối của trái đất. Nguyệt thực gồm 3 pha cơ bản là nửa tối, một phần và toàn phần.
Delta Aquarids là kết quả để lại của sao chổi 96P Macholz, một sao chổi chu kỳ ngắn đã tới cận nhật lần gần đây nhất vào năm 2017. Vị trí trung tâm của hiện tượng này là chòm sao Aquarius. Từ 2h sáng tới bình minh các ngày diễn ra mưa sao băng, Aquarius sẽ nằm ở bầu trời phía nam.
Năm nay, cực điểm của mưa sao băng Delta Aquarids cũng trùng với thời điểm trăng tròn. Mưa sao băng chỉ cỡ trung bình, thậm chí nhỏ, nên ngay cả khi thời tiết lý tưởng, ta cũng khó quan sát được.
Tuy nhiên, cơ hội chiêm ngưỡng sao băng sẽ xuất hiện một lần nữa vào tháng 8 với mưa sao băng Perseids. Theo chuyên gia Bill Cooke tại NASA, Perseids sẽ đạt cực điểm ngày 12-13/8, đúng thời điểm trăng non. Lúc này, mặt trăng không còn gây cản trở cho việc quan sát và nếu trời không mây, đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để theo dõi hiện tượng thiên văn này.