Người móc cống
Giơ lên trước mặt tôi chiếc kim tiêm còn dính máu, ông Thưởng nói: “Ai tử tế thì đậy nắp mũi tiêm, còn không thì chạm vào buốt tới óc”.
“Nhưng vẫn phải làm” – ông kết luận về nghề nghiệp của mình. Ở tuổi 54, mặt đen nhẻm, tóc lâm râm, ông Nguyễn Công Thưởng thở dài. “Ai cũng muốn việc nhẹ thì lấy ai vớt rác?” – ông lý giải cho 22 năm làm nghề, bằng một câu na ná nhạc của Trần Long Ẩn.
Tôi vẫn rùng mình khi nhớ lại mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi sau buổi trưa tháng 7 trầm mình dưới cống để chụp ảnh những công nhân của Công ty thoát nước đô thị TP HCM.
Trong cái nắng 11 giờ trưa, tại góc đường Nguyễn Thái Học – Trần Hưng Đạo, Quận 1, nhóm công nhân đầu đội đèn pin, mặc đồ bảo hộ, tay cắp chiếc rổ nhựa bước xuống cống bằng chiếc thang sắt. Những người đàn ông lành nghề vừa dùng tay khùa rác vào rổ nhựa, vừa dò dẫm từng bước giữa màn đen của cống hộp bằng ánh sáng le lói từ chiếc đèn pin nhỏ gắn trên đầu.
Đồng nghiệp ông Thưởng, ông Hùng – đã theo nghề 24 năm – mới lên tivi. Trước ống kính truyền hình, giọng ông lắp bắp, từ ngữ lẫn lộn: “Nhiều khi những nhà xây dựng xả thẳng những hóa chất xuống cống khiến những công nhân chúng tôi bị bỏng cả toàn thân. Đau lắm… Nhiều khi lần mò trong cống tôi đạp phải kim tiêm và vật kim loại, tứa máu, đau thấu tim. Hay khi đang loay hoay đưa rác ra ngoài tôi bị nước thải của các nhà vệ sinh xối thẳng vào đầu…”.
Ông kể tôi rằng đêm trước buổi ghi hình đã ghi ý chính ra giấy rồi học thuộc nhưng vẫn bị nói lắp vì run quá. Mà thật ra, ông cũng chẳng biết nói sao cho hay về nghề này.
Mới đây, trong buổi tọa đàm với công nhân thoát nước, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND Thành phố đã thay mặt chính quyền xin lỗi công nhânvề những vất vả, nguy hiểm của nghề này. Theo bà Tâm, việc để rác đúng nơi quy định là giải pháp không tốn tiền nhưng chính quyền thành phố, các đoàn thể chưa làm tốt.
Ông Hùng bảo thật ra hôm nay tôi chụp hình nên họ mới mặc đồ bảo hộ để “cho đẹp”, chứ thường ngày họ không mặc quần cao su, không đeo khẩu trang, găng tay, vì vướng víu, nóng nực. Có những người đã phải nhập viện vì hít quá nhiều khí độc. Có công nhân móc cống mũi gần như mất cảm giác.
Sau khi chúng tôi đăng phóng sự ảnh về họ trên VnExpress, hàng trăm ý kiến cho rằng lời xin lỗi của chính quyền chỉ là bề nổi, khi mà chế tài phạt thật nặng tội xả rác bừa bãi chưa được thực hiện. Và vì thế, họ không tin nỗi khổ của công nhân thoát nước cũng như lộ trình giảm ngập của thành phố sẽ không kéo dài.
Nhưng kể cả khi việc phạt vứt rác được làm tốt hơn, hay bà Quyết Tâm đề nghị được mức lương tốt hơn cho công nhân móc cống, thì vấn đề liệu có được giải quyết? Tôi cho là không. Bởi sử dụng lao động làm nghề nguy hiểm từ lâu đã không còn là lựa chọn của đa số các nhà quản lý đô thị tại nhiều nước. Tất cả những công việc nguy hiểm và khó khăn trong quản trị, quy hoạch đô thị như sửa điện, móc cống, sửa ống nước… đều đã được robot hóa.
Nhiều thành phố lớn của nước ta, trong đó có Hà Nội và TP HCM vài năm nay đua nhau ký kết các hợp đồng trị giá hàng chục tỷ đồng với đối tác nước ngoài, tuyên bố xây dựng thành phố thông minh. Tôi cứ nghĩ thành phố thông minh hiểu đơn giản nhất là có sự tham gia của công nghệ thông tin vào việc tổ chức, quản lý đô thị và bảo vệ môi trường, bảo vệ người dân hay nỗ lực giải quyết các vấn đề của đô thị một cách “thông minh”.
Ông Thưởng bảo nghề móc cống không có ngày nghỉ. Ngày không vớt rác thì ngồi trực ở trạm bơm từ 4h30 sáng đến 8 giờ tối, chỉ để canh ông Trời. Nếu có mưa, họ phải xử lý ngay để các cống không bị ngập rác và tắc.
Phía trên thành phố, những hoài bão mang tên cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn đang được bàn luận sôi nổi. Phía dưới những lòng cống, bài toán lớn nhất nhì của hạ tầng thành phố, rác thải và ngập nước, vẫn đang được giải quyết bằng sức chịu đựng của con người.
Và tôi sợ rằng cho đến nhiều năm nữa, khi nhìn vào mắt những người công nhân ấy, các dân biểu cũng sẽ không nói được gì ý nghĩa hơn, ngoài một lời xin lỗi.
Thành Nguyễn