Một số vấn đề môn Tiếng Việt/Ngữ văn
1. Đặc điểm của môn học
Là môn học thuộc lĩnh vực Giáo dục ngôn ngữ và văn học, được tổ chức dạy học ở cả 3 cấp học từ tiểu học đến THPT. Ở cấp TH, được gọi là Tiếng Việt, ở cấp THCS và THPT được gọi là Ngữ Văn.
Đây là môn học vừa có tính công cụ, vừa có tính thẩm mỹ – nhân văn, môn Ngữ văn có vai trò to lớn trong việc giúp học sinh (HS) phát triển những phẩm chất cao đẹp; có những cảm xúc lành mạnh, biết tôn trọng cái đẹp; có đời sống tinh thần phong phú; có tâm hồn nhân hậu và lối sống nhân ái, vị tha. Thông qua môn học này, các em được hình thành, phát triển các năng lực chung và năng lực môn học như năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mỹ để sống và làm việc hiệu quả, để học tập tốt các môn học khác, cũng như để học suốt đời.
Nội dung chính của môn học bao gồm các mạch kiến thức và kỹ năng cơ bản, thiết yếu về văn học và tiếng Việt, đáp ứng các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh ở từng cấp học.
2. Quan điểm xây dựng chương trình
Chương trình được xây dựng dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn, cập nhật thành tựu của khoa học hiện đại.
Lấy các kỹ năng giao tiếp (đọc, viết, nói và nghe) làm trục chính xuyên suốt cả ba cấp học nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình theo định hướng năng lực và bảo đảm tính chỉnh thể, sự nhất quán liên tục trong tất cả các cấp/lớp. Các kỹ năng được hiểu theo nghĩa rộng với nhiều yêu cầu và mức độ khác nhau; hệ thống kiến thức phổ thông cơ bản, nền tảng về văn học và tiếng Việt được tích hợp vào hoạt động dạy đọc, viết, nói và nghe.
Xây dựng theo hướng mở; không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp; quy định một số kiến thức cơ bản, cốt lõi về văn học, tiếng Việt và một số văn bản quan trọng của văn học dân tộc là nội dung thống nhất bắt buộc đối với học sinh toàn quốc.Vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới, vừa chú trọng kế thừa và phát huy những ưu điểm của các chương trình Ngữ văn đã có, đặc biệt là chương trình hiện hành.
3. Mục tiêu chương trình môn học và yêu cầu cần đạt
3.1. Mục tiêu
a) Về kiến thức và thái độ: thông qua những văn bản ngôn từ, đặc biệt là các văn bản văn học đặc sắc, môn Ngữ văn tạo cho HS cơ hội khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, biết đồng cảm, sẻ chia, có cá tính và đời sống tâm hồn phong phú, có quan niệm sống và ứng xử nhân văn; bồi dưỡng cho các em tình yêu đối với tiếng Việt và văn học, ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc, góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị văn hoá Việt Nam.
b) Về kỹ năng, bên cạnh việc góp phần phát triển các năng lực chung, chương trình môn Ngữ văn tập trung giúp HS phát triển năng lực giao tiếp và năng lực thẩm mỹ; cung cấp hệ thống kiến thức phổ thông nền tảng về văn học và tiếng Việt để góp phần phát triển vốn học vấn căn bản của một người có văn hoá; hình thành và phát triển con người nhân văn, biết tiếp nhận, cảm thụ, thưởng thức, đánh giá các sản phẩm ngôn từ và các giá trị cao đẹp trong cuộc sống.
3.2. Yêu cầu cần đạt
Các yêu cầu cần đạt của mỗi lớp tập trung vào bốn kỹ năng lớn: đọc,viết, nói và nghe.
– Đọc: gồm yêu cầu đọc đúng và đọc hiểu. Yêu cầu về đọc hiểu bao gồm các yêu cầu hiểu văn bản (trong đó có cả đọc thẩm mỹ, cảm thụ, thưởng thức và đánh giá) và hiểu chính mình (người đọc).
– Viết: không chỉ yêu cầu học sinh biết viết chữ, viết câu, viết đoạn mà còn tạo ra được các kiểu loại văn bản, trước hết là các kiểu loại văn bản thông dụng, sau đó là một số kiểu loại văn bản phức tạp hơn.
– Nói và nghe: căn cứ vào nội dung của đọc và viết để luyện tập cho học sinh trình bày, nói và nghe tự tin, có hiệu quả; từ nói đúng đến nói hay.
Ngoài các yêu cầu cần đạt và nội dung dạy cơ bản, cốt lõi, thống nhất bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, lên cấp trung học phổ thông, chương trình nêu lên nội dung một số chuyên đề tự chọn (35 tiết/lớp/năm) nhằm đáp ứng yêu cầu cho những học sinh có thiên hướng khoa học xã hội và nhân văn.
4. Nội dung chương trình
So với các các chương trình trước đây, chương trình Ngữ văn lần này được xây dựng xuất phát từ các phẩm chất và năng lực cần có của người học để lựa chọn nội dung dạy học. Để đảm bảo các yêu cầu cần đạt nêu trên, các nội dung dạy học, bao gồm kiến thức về tiếng Việt, văn học và ngữ liệu văn bản.
– Kiến thức tiếng Việt với các nội dung chủ yếu là: Ngữ âm và chữ viết; Từ vựng; Ngữ pháp; Hoạt động giao tiếp;Sự phát triển của ngôn ngữ.
– Kiến thức văn học gồm: Những vấn đề chung; Các thể loại văn học; Các yếu tố của tác phẩm văn học; Một số hiểu biết sơ giản về lịch sử văn học Việt Nam.
– Phần ngữ liệu cho mỗi lớp chỉ nêu lên định hướng về kiểu loại văn bản, các ngữ liệu cụ thể được giới thiệu thành một phụ lục, gồm văn bản bắt buộc và văn bản gợi ý.
5. Phương pháp dạy học
Chú ý chú ý hình thành cho HS cách học, tự học, từ phương pháp tiếp cận, phương pháp đọc hiểu đến cách thức tạo lập văn bản và nghe-nói; thực hành, luyện tập và vận dụng nhiều kiểu loại văn bản khác nhau để sau khi rời nhà trường các em có thể tiếp tục học suốt đời và có khả năng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
Giáo viên tổ chức các hoạt động học tập cho HS; hướng dẫn, giám sát và hỗ trợ HS để các em từng bước hình thành và phát triển các phẩm chất và năng lực mà chương trình giáo dục mong đợi. Khơi gợi, vận dụng kinh nghiệm và vốn hiểu biết đã có của học sinh về vấn đề đang học, từ đó tổ chức cho các em tìm hiểu, khám phá để tự mình bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện những hiểu biết ấy. Khuyến khích HS trao đổi và tranh luận, đặt câu hỏi cho mình và cho người khác khi đọc, viết, nói và nghe.
Cần đảm bảo yêu cầu dạy học tích hợp (tích hợp nội môn, liên môn, xuyên môn) và yêu cầu dạy học phân hóa. Đa dạng hoá các phương pháp, hình thức tổ chức và phương tiện dạy học; mở rộng không gian dạy học và các hình thức học tập.
6. Đánh giá kết quả giáo dục
6.1. Hình thức đánh giá: để đánh giá kết quả giáo dục của môn học (đánh giá các năng lực chung và năng lực đặc thù), cần kết hợp cả định tính và định lượng, thông qua các bài kiểm tra (đọc, viết, nói, trình bày), bài tập nghiên cứu với nhiều hình thức và mức độ khác nhau, dựa trên yêu cầu cần đạt về năng lực đối với mỗi cấp lớp. Cần xây dựng câu hỏi, bài tập một cách rõ ràng, dễ đo lường; các đề thi, kiểm tra quan trọng (cuối kỳ, cuối cấp) cần yêu cầu HS vận dụng, thực hành với tình huống và ngữ liệu mới.
6.2. Nguyên tắc đánh giá: trong tất cả các hình thức đánh giá, đều phải bảo đảm cho HS được bộc lộ, thể hiện phẩm chất, năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mỹ và những suy nghĩ của bản thân, không vay mượn, sao chép; khuyến khích các bài viết có cá tính và sáng tạo.
7. Điều kiện thực hiện chương trình
7.1. Điều kiện tối thiểu: các bộ sách giáo khoa Ngữ văn khác nhau; tủ sách sách tham khảo có đủ các hình thức sách truyện, sách truyện tranh; có đủ các kiểu loại văn bản lớn là văn bản văn học, văn bản nghị luận, văn bản thông tin. Trong mỗi kiểu loại lớn có đủ các tiểu loại. Một số tranh ảnh như chân dung các nhà văn lớn có trong chương trình; minh hoạ cho nội dung, nghệ thuật của một số tác phẩm lớn.
Tác giả bài viết: Bùi Quý Khiêm