Giới thiệu về vấn đề làm quen với Tiếng Anh ở lớp 1, 2 trong chương trình giáo dục phổ thông mới
Ở cấp TH, môn tiếng Anh được đưa vào thành môn học tự chọn cho lớp 1 và lớp 2. Ở chương trình hiện hành, việc học tiếng Anh chỉ bắt đầu từ lớp 3.
1. Đặc điểm môn học
Chương trình Làm quen tiếng Anh lớp 1 và lớp 2 được xây dựng để chuẩn bị kiến thức và tâm thế cho học sinh (HS) TH học tiếng Anh chính thức từ lớp 3 một cách hiệu quả. Chương trình được xây dựng cho môn Ngoại ngữ tự chọn lớp 1 và lớp 2 cấp TH. Việc triển khai thực hiện môn học này với tư cách là môn tự chọn trong trường TH cần phải xét đến những điều kiện thực hiện để đạt hiệu quả cao nhất và đảm bảo tính liên thông với chương trình môn Tiếng Anh được dạy từ lớp 3 đến lớp 12.
Đặc điểm của HS lứa tuổi này là phát triển ngôn ngữ thông qua trải nghiệm thế giới, có thiên hướng tiếp thu ngôn ngữ tự nhiên hơn là lĩnh hội ngôn ngữ; các em ở lứa tuổi này đang trong giai đoạn học đọc và viết tiếng mẹ đẻ, do vậy, chương trình tập trung phát triển kỹ năng nghe, nói giúp học sinh được làm quen với tiếng Anh qua những tình huống giao tiếp đơn giản hằng ngày, câu chuyện, bài đọc vần và bài hát. Thời lượng của chương trình được thiết kế và phân bổ cho 140 tiết học trong 4 học kỳ (2 kỳ của lớp 1 và 2 kỳ của lớp 2). Nội dung chương trình và mục tiêu dạy học được lựa chọn và sắp xếp dựa theo mục tiêu phát triển năng lực giao tiếp của HS.
2. Quan điểm xây dựng chương trình
2.1. Tuân thủ các quy định cơ bản được nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Định hướng chung cho tất cả các môn học như: quan điểm, mục tiêu, yêu cầu cần đạt, kế hoạch giáo dục và các định hướng về nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục, điều kiện thực hiện và phát triển chương trình; Định hướng xây dựng chương trình môn Tiếng Anh ở cả ba cấp học.
2.2. Chương trình được xây dựng dựa trên nền tảng lý luận và thực tiễn, cập nhật thành tựu của khoa học hiện đại. Cơ sở lý luận và thực tiễn của chương trình là: Các kết quả nghiên cứu về giáo dục học, tâm lý học và phương pháp dạy học Tiếng Anh hiện đại; Các thành tựu nghiên cứu về ngôn ngữ tiếng Anh như hệ thống miêu tả ngôn ngữ và ngữ dụng học; Phương pháp xây dựng chương trình môn Tiếng Anh của thế giới và kinh nghiệm xây dựng chương trình của Việt Nam; Thực tiễn xã hội, giáo dục, điều kiện kinh tế và truyền thống văn hoá Việt Nam, chú ý đến sự đa dạng của đối tượng HS xét về phương diện vùng miền, điều kiện và khả năng học tập.
2.3. Thực hiện quan điểm dạy tiếng Anh theo đường hướng giao tiếp, theo đó, năng lực giao tiếp là mục tiêu của quá trình dạy học; kiến thức ngôn ngữ là phương tiện để hình thành và phát triển các kỹ năng giao tiếp thông qua nghe, nói, đọc, viết. Ở hai lớp đầu cấp TH này, việc giảng dạy cần nhấn mạnh đến hai kỹ năng nghe và nói.
2.4. Nội dung chương trình được sắp xếp theo mục tiêu phát triển năng lực giao tiếp. Mục tiêu ngôn ngữ và từ vựng được xác định làm phương tiện để hình thành và phát triển năng lực giao tiếp tương ứng.
3. Mục tiêu
3.1. Mục tiêu tổng quát
Giúp HS bước đầu có nhận thức đơn giản nhất về 5 tiếng Anh, làm quen, khám phá và trải nghiệm để hình thành kỹ năng tiếng Anh theo các ngữ cảnh phù hợp với năng lực tư duy, cảm xúc và tâm sinh lý của lứa tuổi giúp các em bớt bỡ ngỡ khi bắt đầu chính thức học tiếng Anh từ lớp 3 và hình thành cho các em niềm yêu thích học tập môn học.
3.2. Mục tiêu cụ thể
Hoàn thành chương trình này, học sinh có thể: Nghe hiểu và có phản hồi bằng tiếng Anh một cách đơn giản trong các tình huống hỏi đáp rất đơn giản, quen thuộc với người học; Nghe hiểu và hồi đáp (phi ngôn ngữ) trong tình huống giao tiếp đơn giản, gần gũi với đời sống của các em; Nghe hiểu và thực hiện theo các hướng dẫn đơn giản trong lớp học bằng tiếng Anh; Bước đầu tham gia được vào các hoạt động đơn giản trên lớp có chỉ dẫn bằng tiếng Anh; Nghe và nhận diện được các vật thể, số lượng, màu sắc, hình dáng đơn giản, phổ biến, cụ thể; Nghe và nhận biết được tên các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Anh; Bước đầu nhắc lại được các cụm từ, câu đơn giản, bài đọc vần, bài hát phù hợp với năng lực tư duy, cảm xúc và tâm sinh lý lứa tuổi. Bước đầu hình thành sự yêu thích đối với môn học.
4. Yêu cầu cần đạt
Các yêu cầu cần đạt đối với học sinh được mô tả thông qua bốn kỹ năng giao tiếp: nghe, nói, đọc, viết, theo thứ tự ưu tiên như sau: nghe, nói, đọc và viết. Những kỹ năng này cần ở mức độ thấp nhất của năng lực giao tiếp 6 Bậc 1 của khung Năng lực Ngoại ngữ Việt Nam.
5. Nội dung chương trình
5.1. Kiến thức ngôn ngữ
Ngữ âm: Âm và chữ cái tiếng Anh được làm quen, khám phá và trải nghiệm thông qua các tình huống giao tiếp, trò chơi, bài đọc vần, tranh truyện đơn giản và các bài hát. Học sinh từng bước làm quen và nhận biết cách đọc các âm và tên các chữ cái trong bảng chữ cái.
Từ vựng: Từ vựng được thể hiện trong ngữ cảnh giao tiếp cụ thể bao gồm tình huống giao tiếp, bài đọc vần, tranh ảnh minh hoạ, tranh truyện, trò chơi và bài hát thiếu nhi phù hợp với lứa tuổi. Trước tiên, HS làm quen với từ, cụm từ thông qua nghe, nói trong ngữ cảnh. Từ trải nghiệm nghe, nói, các em làm quen với ý nghĩa và nhận diện từ và cụm từ. Số lượng từ cần làm quen khoảng 100-160 từ.
Cấu trúc: Cấu trúc đơn giản thông qua các tình huống giao tiếp cụ thể, chủ đề quen thuộc, tranh ảnh minh hoạ, bài đọc vần, bài hát phù hợp với lứa tuổi. Tập trung vào các thể mệnh lệnh đơn giản hay sử dụng trong tình huống giao tiếp các em được làm quen trong chương trình học.
5. 2. Kỹ năng ngôn ngữ
Năng lực giao tiếp được hình thành thông qua khám phá và trải nghiệm tiếng Anh trong các ngữ cảnh phù hợp với năng lực tư duy, cảm xúc và tâm lý lứa tuổi, khi HS tham gia vào các hoạt động học tập và các trò chơi trên lớp.
Năng lực giao tiếp trong chương trình làm quen tiếng Anh lớp 1 và lớp 2 bao gồm cả những hồi đáp phi ngôn ngữ và hồi đáp đơn giản, ở cấp độ từ hoặc câu đơn giản, được thể hiện thông qua các nhiệm vụ giao tiếp để hình thành 9 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Những kỹ năng cụ thể là:
– Nghe: Nghe hiểu và hồi đáp phi ngôn ngữ hoặc câu trả lời đơn giản, có thể chỉ ở cấp độ từ, trong các hội thoại giao tiếp đơn giản trong lớp học và trong các tình huống hoặc chủ đề đơn giản đã học. Nghe hiểu và thực hiện theo các chỉ dẫn đơn giản bằng tiếng Anh trong lớp học. Nghe hiểu được từ và cụm từ gần gũi với hoạt động của học sinh trong ngữ cảnh và chủ đề đã học (khoảng 100-160 từ).
– Nói: Làm quen với việc giao tiếp bằng tiếng Anh bằng cách trả lời đơn giản trong các tình huống hỏi đáp rất đơn giản trong phạm vi chủ đề và ngữ cảnh đã học. HS tham gia vào các hoạt động, trò chơi trên lớp và bước đầu có thể đưa ra một số chỉ dẫn. Học sinh làm quen với việc nghe và nhắc lại các cụm từ, câu đơn giản, bài đọc vần, bài hát phù hợp với với lứa tuổi trong nội dung bài học. Các em nói được các từ quen thuộc, cụ thể và đơn giản trong ngữ cảnh.
– Đọc: Làm quen với các bài đọc đơn giản có tranh minh hoạ giúp HS khám phá ngữ nghĩa của từ và cụm từ. HS nghe và đọc theo, nhận biết từ và hiểu nghĩa của từ trong chủ đề đã học. Nhận biết một số thông tin cụ thể về nội dung trong các bài hát, bài vè trong nội dung bài học.
– Viết: Tô chữ, từ, hoàn thành từ đã học trong ngữ cảnh cụ thể.
5.3. Hệ thống chủ đề gợi ý khai thác các chủ đề quen thuộc với cuộc sống của học sinh: Màu sắc; Hoạt động đơn giản; Trái cây; Động vật; Đồ dùng học tập; Thức ăn; Đồ chơi; Ngày trong tuần; Đồ uống; Lớp học; Quần áo; Trò chơi; Gia đình; Bộ phận cơ thể; Hình cơ bản; Giác quan.
6. Phương pháp giáo dục
6.1. Đường hướng dạy học chủ đạo là Đường hướng giao tiếp. Đường hướng này có thể sử dụng nhiều phương pháp và kỹ thuật giảng dạy khác nhau nhưng đều nhấn mạnh vào việc hình thành và phát triển năng lực giao tiếp của HS. Ngoài ra, các phương pháp và hoạt động dạy học cũng chú trọng đến quá trình tiếp thu ngôn ngữ tự nhiên của HS ở lứa tuổi này.
6.2. Một số định hướng và cách tiếp cận chủ đạo trong phương pháp dạy học bao gồm:
a) Cách tiếp cận chủ đạo trong giảng dạy là tạo ra môi trường thân thiện cho HS làm quen tiếng Anh theo hướng dạy ngôn ngữ giao tiếp, trong đó chú trọng đến quá trình tiếp thụ, lĩnh hội ngôn ngữ một cách tự nhiên, ưu tiên các hoạt động phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi (trò chơi, bài hát, bài vè). Đặc điểm của quá trình thụ đắc ngôn ngữ tự nhiên đòi hỏi học sinh được trải nghiệm ngôn ngữ một cách vô thức theo thứ tự nghe – nói – đọc – viết.
b) Khuyến khích hồi đáp phi ngôn ngữ Ở giai đoạn này, người học cần được khuyến khích hồi đáp trước các tình huống giao tiếp bằng các hình thức phi ngôn ngữ. Trẻ cần được cung cấp đủ (nghe đi nghe lại nhiều lần) ngữ liệu có ý nghĩa trong một thời gian nhất định trước khi đến giai đoạn trẻ có thể sử dụng được ngôn ngữ. Trẻ cần được tạo điều kiện để bắt chước và luyện các âm chính xác, các từ và câu. Các kỹ năng đọc và viết đòi hỏi một khoảng thời gian lâu hơn nữa để hình thành.
7. Đánh giá kết quả giáo dục
Trong quá trình thực hiện hoạt động kiểm tra đánh giá, cần lưu ý các yêu cầu sau:
7.1. Nội dung kiểm tra, đánh giá kết quả làm quen với tiếng Anh của HS lớp 1 và lớp 2 phải bám sát mục tiêu chương trình, ưu tiên đánh giá các kỹ năng theo thứ tự nghe, nói, đọc, viết.
7.2. Các hình thức kiểm tra đánh giá được khuyến nghị sử dụng trong chương trình:
Đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ:
– Đánh giá thường xuyên được hiểu là đánh giá thường xuyên về tiến bộ trong học tập. Đánh giá thường xuyên cần được ưu tiên và cần được thực hiện liên tục, xuyên suốt quá trình học tập của HS. Đối với HS lớp 1 và 2 làm quen với tiếng Anh, kết quả đánh giá thường xuyên cần mang tính động viên, khích lệ, nâng cao sự tự tin về khả năng học tập và sự yêu thích của các em đối với môn tiếng Anh.
– Đánh giá định kỳ được thực hiện vào một số thời điểm trong năm học (cuối kỳ hoặc cuối năm). Đánh giá định kỳ là không bắt buộc và có thể thay thế hoàn toàn bằng đánh giá thường xuyên. Khi đánh giá định kỳ được sử dụng cho HS lớp 1 và 2 thì thời lượng cần điều chỉnh để phù hợp với các em và hình thức đánh giá cần phong phú.