Giới thiệu về môn Tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 12 trong Chương trình giáo dục phổ thông mới
1. Đặc điểm môn học
Tiếng Anh là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông từ lớp 3 đến lớp 12. Là một trong những môn học công cụ ở trường phổ thông, môn Tiếng Anh không chỉ giúp học sinh (HS) hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh mà còn góp phần hình thành và phát triển các năng lực chung; để sống và làm việc hiệu quả hơn; để học tập tốt các môn học khác cũng như để học suốt đời.
Môn Tiếng Anh cung cấp cho HS một công cụ giao tiếp quốc tế quan trọng, giúp các em trao đổi thông tin, tri thức khoa học và kỹ thuật tiên tiến, tìm hiểu các nền văn hoá, qua đó góp phần tạo dựng sự hiểu biết giữa các dân tộc, hình thành ý thức công dân toàn cầu, góp phần vào việc phát triển phẩm chất và năng lực cá nhân.
Thông qua việc học Tiếng Anh và tìm hiểu các nền văn hóa khác nhau, HS có thể hiểu rõ hơn và thêm yêu ngôn ngữ và nền văn hóa của dân tộc mình. Với tư cách là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông, môn Tiếng Anh còn liên quan trực tiếp và có tác động qua lại với nhiều môn học khác như Ngữ văn, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Nghệ thuật, Thể dục, Tin học, Hoạt động trải nghiệm.
Tiếng Anh đồng thời còn là công cụ để dạy và học các môn học khác, đặc biệt là môn Toán và các môn khoa học tự nhiên. Mục tiêu cơ bản của Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh là giúp HS hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và các kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp). Các kỹ năng giao tiếp và kiến thức ngôn ngữ được xây dựng trên cơ sở các đơn vị năng lực giao tiếp cụ thể, trong các chủ đề và chủ điểm phù hợp với nhu cầu và khả năng của học sinh phổ thông nhằm giúp các em đạt được các yêu cầu quy định trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (HS kết thúc cấp TH đạt Bậc 1, kết thúc cấp THCS đạt Bậc 2, kết thúc cấp trung học phổ thông đạt Bậc 3)
Nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh thể hiện những định hướng cơ bản: Ở cấp TH, giúp HS bước đầu hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, chú trọng nhiều hơn đến hai kỹ năng nghe và nói. Ở cấp THCS, việc dạy học Tiếng Anh tiếp tục giúp HS hình thành và phát triển năng lực giao tiếp, đồng thời phát triển năng lực tư duy và nâng cao sự hiểu biết của học sinh về văn hoá, xã hội của các quốc gia trên thế giới cũng như hiểu biết sâu hơn về văn hoá, xã hội của dân tộc mình. Ở cấp THPT, việc dạy học Tiếng Anh giúp HS phát triển năng lực giao tiếp bằng Tiếng Anh dựa trên nền tảng chương trình Tiếng Anh ở cấp TH và THCS, trang bị cho HS kỹ năng học tập suốt đời để không ngừng học tập và phát triển năng lực làm việc trong tương lai.
2. Quan điểm xây dựng chương trình
2.1. Chương trình môn Tiếng Anh (Chương trình) tuân thủ các quy định được nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GDĐT, gồm các định hướng chung về quan điểm, mục tiêu, yêu cầu cần đạt, kế hoạch giáo dục và các định hướng về nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, đánh giá kết quả học tập và điều kiện thực hiện chương trình.
2.2. Chương trình được xây dựng theo quan điểm năng lực giao tiếp là mục tiêu của quá trình dạy học; kiến thức ngôn ngữ là phương tiện để hình thành và phát triển các kỹ năng giao tiếp thông qua nghe, nói, đọc, viết. Ở cấp TH, ưu tiên phát triển hai kỹ năng nghe và nói. Ở cấp THCS, các kỹ năng giao tiếp nghe và nói vẫn được tiếp tục phát triển và thông qua luyện tập kết hợp các kỹ năng để tiến tới phát triển đồng đều cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết ở cấp THPT.
2.3. Chương trình được thiết kế trên cơ sở hệ thống chủ đề, chủ điểm có liên quan chặt chẽ với nhau, có ý nghĩa và phù hợp với môi trường học tập, sinh hoạt của HS. Hệ thống chủ đề, chủ điểm phản ánh văn hoá cần mang tính dân tộc và quốc tế; nội dung dạy học cần được lựa chọn và có thể lặp lại theo hướng mở rộng qua các năm học theo hướng đồng tâm xoắn ốc nhằm củng cố và phát triển năng lực giao tiếp của các em. Nội dung các môn học khác cần được lồng ghép, tích hợp trong Chương trình môn Tiếng Anh ở mức độ phù hợp và khả thi.
2.4. Chương trình đảm bảo lấy hoạt động học của HS làm trung tâm trong quá trình dạy học. Năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh của các em được phát triển thông qua hoạt động học tập tích cực, chủ động, sáng tạo. Giáo viên (GV) là người tổ chức, hướng dẫn quá trình dạy học, khuyến khích HS tham gia hoạt động luyện tập ngôn ngữ ở mức tối đa và từng bước nâng cao khả năng tự học.
2.5. Chương trình đảm bảo tính liên thông và tiếp nối của việc dạy học Tiếng Anh giữa các cấp TH, THCS và THPT. Tính liên thông và tiếp nối được thể hiện ở chỗ sau mỗi cấp học, học sinh đạt một bậc trình độ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
2.6. Chương trình đảm bảo tính linh hoạt, mềm dẻo và tính mở nhằm đáp ứng nhu cầu và phù hợp với điều kiện dạy học tiếng Anh đa dạng ở các địa phương.
3. Mục tiêu môn học
3.1. Mục tiêu chung
a) Giúp HS có một công cụ giao tiếp mới, hình thành và phát triển cho các em năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh thông qua các hình thức nghe, nói, đọc, viết. Kết thúc chương trình giáo dục phổ thông, HS có khả năng giao tiếp đạt trình độ Bậc 3 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam, tạo nền tảng cho HS có thể sử dụng tiếng Anh trong học tập, hình thành thói quen học tập suốt đời để trở thành những công dân toàn cầu trong thời kỳ hội nhập.
b) Giúp HS có hiểu biết khái quát về đất nước, con người và nền văn hoá của một số nước nói tiếng Anh; có thái độ và tình cảm tốt đẹp đối với đất nước, con người, nền văn hoá và ngôn ngữ của các nước nói tiếng Anh. Ngoài ra, Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh cũng góp phần hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất và năng lực cần thiết đối với người lao động: ý thức và trách nhiệm lao động, định hướng và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích, khả năng thích ứng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp mới.
3.2. Mục tiêu các cấp học
a) Cấp TH, sau khi hoàn thành chương trình môn Tiếng Anh, HS có thể: Giao tiếp đơn giản bằng tiếng Anh thông qua bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, trong đó nhấn mạnh hai kỹ năng nghe và nói; Có kiến thức cơ bản và tối thiểu về tiếng Anh bao gồm ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp; thông qua tiếng Anh có những hiểu biết ban đầu về đất nước, con người và nền văn hoá của các nước nói tiếng Anh; Có thái độ tích cực đối với việc học tiếng Anh; biết tự hào, yêu quý và trân trọng nền văn hoá và ngôn ngữ của dân tộc mình; Hình thành cách học tiếng Anh hiệu quả, tạo cơ sở cho việc học các ngoại ngữ khác trong tương lai.
b) Cấp THCS, sau khi hoàn thành chương trình môn Tiếng Anh, HS có thể: Sử dụng tiếng Anh như một công cụ giao tiếp thông qua bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết nhằm đáp ứng các nhu cầu giao tiếp cơ bản và trực tiếp trong những tình huống gần gũi và thường nhật; Có kiến thức cơ bản về tiếng Anh, bao gồm ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và thông qua tiếng Anh, có những hiểu biết khái quát về đất nước, con người, nền văn hoá của các nước nói tiếng Anh, đồng thời có hiểu biết và tự hào về những điểm mạnh và giá trị của nền văn hoá dân tộc mình; Có thái độ tích cực đối với môn học và việc học tiếng Anh, bước đầu biết sử dụng tiếng Anh để tìm hiểu các môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông; Hình thành và áp dụng các phương pháp và chiến lược học tập khác nhau để phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh trong và ngoài lớp học, quản lý thời gian học tập và hình thành thói quen tự học, học tập suốt đời.
c) Cấp THPT, sau khi hoàn thành chương trình môn Tiếng Anh, HS có thể: Sử dụng tiếng Anh như một công cụ giao tiếp thông qua nghe, nói, đọc, viết nhằm đáp ứng các nhu cầu giao tiếp cơ bản và thiết thực về những chủ đề quen thuộc liên quan đến nhà trường, công việc, vui chơi, giải trí,…; mô tả những trải nghiệm và sự kiện trong quá khứ, ước mơ, hy vọng và hoài bão trong tương lai, đồng thời có thể giải thích một cách ngắn gọn những quan điểm và dự định tương lai của bản thân; viết bài đơn giản, có tính liên kết về các chủ điểm quen thuộc hoặc mối quan tâm cá nhân bằng cách kết nối các thành tố đơn lập thành bài viết có cấu trúc; Tiếp tục hình thành và phát triển kiến thức cơ bản về tiếng Anh, bao gồm ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và thông qua tiếng Anh, có những hiểu biết sâu rộng hơn về đất nước, con người, nền văn hoá của các nước nói tiếng Anh trên thế giới, hiểu và tôn trọng sự đa dạng của các nền văn hoá, đồng thời bước đầu phản ánh được giá trị nền văn hoá Việt Nam bằng tiếng Anh; Sử dụng tiếng Anh để: nâng cao chất lượng học tập các môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông; theo đuổi mục tiêu học tập cao hơn hoặc có thể làm việc ngay sau khi học xong THPT; Áp dụng các phương pháp học tập khác nhau để quản lý thời gian học tập, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc học và tự học, củng cố phương pháp tự học, tự đánh giá và chịu trách nhiệm về kết quả học tập, hình thành thói quen học tập suốt đời.
4. Yêu cầu cần đạt
4.1. Sau khi học xong môn Tiếng Anh cấp TH, HS có thể đạt được trình độ tiếng Anh Bậc 1 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Cụ thể là: “Có thể hiểu, sử dụng các cấu trúc quen thuộc thường nhật; các từ ngữ cơ bản đáp ứng nhu cầu giao tiếp cụ thể. Có thể tự giới thiệu bản thân và người khác; có thể trả lời những thông tin về bản 8 thân như nơi sinh sống, người thân/ bạn bè,… Có thể giao tiếp đơn giản nếu người đối thoại nói chậm, rõ ràng và sẵn sàng hợp tác giúp đỡ”.
Thông qua môn Tiếng Anh, HS có những hiểu biết ban đầu về đất nước, con người và nền văn hoá của một số nước nói tiếng Anh; có thái độ tích cực đối với việc học tiếng Anh; biết tự hào, yêu quý và trân trọng ngôn ngữ và nền văn hoá của dân tộc mình; phát triển các phẩm chất như yêu thương, tôn trọng bản thân, bạn bè, gia đình, môi trường, chăm chỉ và trung thực.
4.2. Sau khi học xong môn Tiếng Anh cấp THCS, HS có thể đạt được trình độ tiếng Anh Bậc 2 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Cụ thể là: “Có thể hiểu được các câu và cấu trúc được sử dụng thường xuyên liên quan đến nhu cầu giao tiếp cơ bản (như các thông tin về gia đình, bản thân, đi mua hàng, hỏi đường, việc làm,…). Có thể trao đổi thông tin về những chủ đề đơn giản, quen thuộc hằng ngày. Có thể mô tả đơn giản về bản thân, môi trường xung quanh và những vấn đề thuộc nhu cầu thiết yếu”.
Thông qua môn Tiếng Anh, HS có những hiểu biết khái quát về đất nước, con người, nền văn hoá của các nước nói tiếng Anh trên thế giới; có thái độ tích cực đối với môn học và việc học tiếng Anh; đồng thời có hiểu biết và tự hào về những điểm mạnh và giá trị của nền văn hoá dân tộc mình; phát triển các phẩm chất như nhân ái, yêu thương gia đình, tự hào về quê hương, bảo vệ môi trường, có ý thức tự rèn luyện học tập, có trách nhiệm với bản thân và gia đình.
4.3. Sau khi học xong môn Tiếng Anh cấp THPT, HS có thể đạt được trình độ tiếng Anh Bậc 3 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Cụ thể là: “Có thể hiểu được các ý chính của một đoạn văn hay bài phát biểu chuẩn mực, rõ ràng về các chủ đề quen thuộc trong công việc, trường học, giải trí,…”. Có thể xử lý hầu hết các tình huống xảy ra ở những nơi ngôn ngữ đó được sử dụng. Có thể viết đoạn văn đơn giản liên quan đến các chủ đề quen thuộc hoặc cá nhân quan tâm. Có thể mô tả được những kinh nghiệm, sự kiện, ước mơ, hy vọng, hoài bão và có thể trình bày ngắn gọn các lý do, giải thích ý kiến và kế hoạch của mình”.
Thông qua môn Tiếng Anh, HS có những hiểu biết sâu rộng hơn về đất nước, con người, nền văn hoá của các nước nói tiếng Anh; hiểu và tôn trọng sự đa dạng của các nền văn hoá, đồng thời bước đầu phản ánh được giá trị nền văn hoá của Việt Nam bằng tiếng Anh; phát triển các phẩm chất yêu đất nước, con người, trung thực, nhân ái và có trách nhiệm với môi trường, cộng đồng.
5. Nội dung giáo dục
Nội dung dạy học trong Chương trình được thiết kế theo kết cấu đa thành phần, bao gồm: hệ thống các chủ đề (khái quát), các chủ điểm (cụ thể); các năng lực giao tiếp liên quan đến các chủ đề, chủ điểm; danh mục kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp). Nội dung văn hoá được dạy học lồng ghép, tích hợp trong hệ thống các chủ đề, chủ điểm.
Hệ thống chủ đề được xây dựng trên cơ sở bốn chủ đề xuyên suốt mỗi cấp học. Các chủ đề liên quan chặt chẽ với nhau và được thiết kế lặp lại có mở rộng qua các năm học ở mỗi cấp học, theo hướng đồng tâm xoắn ốc nhằm củng cố và phát triển năng lực giao tiếp của HS. Mỗi cấp học có bốn chủ đề được chia đều cho hai học kỳ. Tên gọi của các chủ đề được thay đổi theo cấp học nhằm đáp ứng nhu cầu, mối quan tâm, hứng thú của HS theo đặc điểm lứa tuổi cũng như yêu cầu hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực cần thiết cho HS. Các chủ đề quy định trong dạy học môn Tiếng Anh ở các cấp học: Cấp TH: Em và những người bạn của em, Em và trường học của em, Em và gia đình em, Em và thế giới quanh em; Cấp THCS: Cộng đồng của chúng ta, Di sản của chúng ta, Thế giới của chúng ta, Tầm nhìn tương lai; Cấp THPT: Cuộc sống của chúng ta, Xã hội của chúng ta, Môi trường của chúng ta, Tương lai của chúng ta.
Hệ thống chủ điểm được xây dựng trên cơ sở các chủ đề. Mỗi chủ đề bao gồm nhiều chủ điểm để có thể bao phủ 1155 tiết học. Các chủ đề và chủ điểm có mối liên quan chặt chẽ với nhau, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi và môi trường sinh hoạt, học tập của HS. Các chủ điểm được lựa chọn theo hướng mở, nhưng phải đảm bảo được các giá trị văn hoá, xã hội của Việt Nam và hội nhập quốc tế.
6. Phương pháp giáo dục
Phương pháp chủ đạo trong Chương trình là phương pháp giao tiếp. Phương pháp này nhấn mạnh vào việc hình thành và phát triển năng lực giao tiếp của học sinh. Năng lực giao tiếp không chỉ là khả năng sử dụng các quy tắc ngữ pháp để tạo ra các câu đúng mà còn là khả năng sử dụng các câu nói đó ở đâu, khi nào và với ai một cách phù hợp thông qua các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Phương pháp giao tiếp có những điểm tương đồng với đường hướng lấy người học làm trung tâm trong giáo dục học. Hai phương pháp/ đường hướng chủ đạo này quy định các hoạt động dạy của GV và hoạt động học của HS.
6.1. Giáo viên là người tổ chức, hướng dẫn hoạt động dạy học. GV cần hiểu rõ đặc điểm tâm – sinh lý của HS ở các cấp học khác nhau (độ tuổi tuổi thơ ở tiểu học, chuyển tiếp từ tuổi thơ sang tuổi vị thành niên ở trung học cơ sở, chuyển tiếp từ tuổi vị thành niên sang tuổi trưởng thành ở trung học phổ thông). GV cần có sự hiểu biết về đặc điểm của địa phương để áp dụng các phương pháp dạy học phù hợp. Coi HS là những chủ thể tích cực tham gia vào quá trình học tập, tạo cơ hội cho HS học sinh sử dụng ngôn ngữ trong các ngữ cảnh, tình huống có nghĩa, sát với cuộc sống hằng ngày. Dành thời gian cho HS tham gia vào các hoạt động giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết). Sử dụng tiếng Anh trong quá trình dạy học trên lớp và tạo cơ hội tối đa để HS sử dụng tiếng Anh trong và ngoài lớp học.
Sử dụng phối hợp các phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng HS và điều kiện học tập ở địa phương. Thông qua các phương pháp dạy học, giúp HS bước đầu hình thành và phát triển phương pháp học tiếng Anh, qua đó trang bị cho các em phương pháp học và tự học để học tập suốt đời. Sử dụng các đồ dùng, thiết bị dạy học hiện đại trong quá trình dạy học. Hướng dẫn HS sử dụng đồng bộ các tài liệu và phương tiện học tập như sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, học liệu điện tử, thiết bị nghe nhìn, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin và tryền thông, mạng Internet, v.v. để nâng cao hiệu quả dạy học. Đối với cấp THPT, trang bị cho HS năng lực học tập và tự học trong thế kỷ XXI bằng cách khuyến khích các em sử dụng học liệu điện tử tới mức tối đa, phù hợp với điều kiện về cơ sở vật chất trong lớp học và môi trường học tập ở địa phương.
6.2. Học sinh là chủ thể tham gia tích cực, chủ động, sáng tạo trong quá trình học tập. Việc tham gia luyện tập các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết được tiến hành đan xen chứ không tách biệt. Mức độ hình thành các kỹ năng giao tiếp thể hiện thông qua: Ưu tiên luyện tập hai kỹ năng nghe và nói ở TH; Tiếp tục luyện tập hai kỹ năng nghe nói và luyện tập xen kẽ các kỹ năng giao tiếp ở THCS; Luyện tập chuyên sâu và cân đối các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết ở THPT.
Tăng cường kỹ năng hợp tác cặp, nhóm. Hoạt động học là trung tâm của quá trình dạy học, bắt đầu từ việc xác định mục tiêu dạy học, lựa chọn nội dung dạy học cụ thể đến thực hiện các phương pháp, quy trình dạy học hợp lý và kết thúc bằng việc đánh giá năng lực giao tiếp tiếng Anh của HS. Hoạt động học được thực hiện thông qua hoạt động giao tiếp, nhiệm vụ giao tiếp và học tập theo dự án. Hoạt động học được tổ chức thông qua môi trường giao tiếp đa dạng, phong phú với các hoạt động tương tác, các hình thức hoạt động cá nhân, theo cặp, nhóm và cả lớp.
Hoạt động học được tiến hành trên cơ sở quá trình tương tác GV – HS, HS – HS, HS- sách giáo khoa và các nguồn học liệu khác (bao gồm cả học liệu điện tử),thông qua các chủ đề, chủ điểm, nhiệm vụ, tình huống giao tiếp đa dạng cả về nội dung và hình thức. Do đặc thù lứa tuổi, trong các hoạt động giao tiếp kể trên, hoạt động học thông qua trò chơi, bài hát, bài thơ, kể chuyện, v.v. được nhấn mạnh ở TH và hoạt động tự học, hoạt động học theo nhiệm vụ, dự án được ưu tiên ở THCS và THPT. Trong quá trình học tập, HS hình thành và củng cố phương pháp học tiếng Anh để từng bước định hướng và phát triển thói quen học tập suốt đời, có các kỹ năng và năng lực cần thiết để trở thành người học độc lập. Cùng với việc hình thành năng lực tự học, HS hình thành và phát triển năng lực tự đánh giá để định hướng phát triển cho bản thân trong tương lai. HS sử dụng các tài liệu giáo khoa, học liệu điện tử, đồ dùng học tập, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông, mạng Internet, … phù hợp với điều kiện của bản thân để nâng cao hiệu quả học tập.
7. Đánh giá kết quả giáo dục
Kiểm tra đánh giá là yếu tố quan trọng trong quá trình dạy học nhằm cung cấp thông tin phản hồi về năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh mà HS đạt được trong quá trình cũng như tại thời điểm kết thúc một giai đoạn học tập. Điều này góp phần khuyến khích và định hướng cho các em trong quá trình học tập, giúp GV và nhà trường đánh giá kết quả học tập của HS, qua đó điều chỉnh việc dạy học môn học một cách hiệu quả ở các cấp học.
Việc đánh giá hoạt động học của HS phải bám sát mục tiêu và nội dung dạy học của chương trình, dựa trên yêu cầu cần đạt đối với các kỹ năng giao tiếp ở từng cấp lớp. Nội dung và hình thức kiểm tra đánh giá cần bám sát mục tiêu dạy học, có tính đến những thay đổi trong mục tiêu từng cấp như cấp TH ưu tiên vào nghe và nói, cấp THCS nhấn mạnh đến phối hợp giữa các kỹ năng và cấp THPT chú trọng đến cân bằng giữa bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.